Phát triển cây ăn quả trên vùng biên Nghĩa Thuận
BHG - Nghĩa Thuận là một xã biên giới của huyện Quản Bạ, nằm cách trung tâm huyện 20 km về phía Bắc. Trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nơi phên giậu của Tổ quốc.
Vườn mận của gia đình ông Don Phù Sần, thôn Phín Ủng. |
Trong chuyến công tác tại xã Nghĩa Thuận, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Hồ Dền Quẩy, thôn Pả Láng. Nhìn những quả mận Tam hoa mọng, trĩu quả trên cành, đang độ cho thu hoạch mà thấy vui. Trao đổi với phóng viên ông Quẩy chia sẻ: “Trồng ngô thu nhập thấp nên tôi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trồng các loại, mận, lê, Hồng không hạt, lựu… Với điều kiên thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng biên giới nơi đây rất thích hợp trồng cây ăn quả ôn đới. Quá trình trồng tôi tự học hỏi cách làm, cán bộ khuyến nông xã cũng thường xuyên hướng dẫn cách trồng, chăm sóc. Để cây phát triển tốt, quan trọng nhất trong trồng cây ăn quả là phòng bệnh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Hàng ngày, tôi thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa cành thông thoáng, phát hiện sớm những biểu hiện của sâu bệnh để có cách chữa trị phù hợp, quét vôi cho cây để tránh sâu bệnh, được chăm bón đúng cách nên diện tích mận, Hồng không hạt của gia đình tôi phát triển tốt. Hiện gia đình tôi đang có 300 cây mận lớn nhỏ đang cho thu hoạch, với giá bán 10 nghìn đồng/1kg, được nhiều thương lái chủ động đến thu mua, so với trồng ngô thì trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần, gia đình tôi rất phấn khởi”.
Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nhờ sự chuyển hướng này, nhiều gia đình đã nâng cao thu nhập. Gia đình ông Don Phù Sần, thôn Phín Ủng là một điển hình khi chuyển toàn bộ hết đất trồng ngô của gia đình sang trồng cây ăn quả. Hiện gia đình ông Sần có khoảng 300 cây mận, 300 cây Hồng không hạt, trồng xen canh cà chua, ớt…
Chia sẻ với chúng tôi, ông Don Phù Sần cho biết : “Do thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng cây ăn quả phải giữ khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây, đối với cây mận, Hồng không hạt là khoảng 5 m, cây mận chăm sóc tốt chỉ hơn 1 năm là cây đã cho ra quả và sẽ cho thu hoạch mỗi cây khoảng 20 kg, mùa mận năm nay gia đình tôi được khoảng 5 tấn quả, thu về khoảng 50 triệu đồng”.
Đồng chí Sân Tiến Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: “Cây ăn quả đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và hiện nay xã đang tiếp tục khuyến khích người dân tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây ăn quả. Đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác của gia đình sang trồng cây ăn quả và bước đầu thu được những kết quả tích cực. Cây mận dễ sống, không tốn nhiều công chăm sóc nên bà con không chỉ trồng trong vườn quanh nhà mà còn đưa cả lên nương. Vài năm gần đây, mận được giá, tư thương đến mua tận vườn nên bà con rất phấn khởi. Cây mận là một trong những loại cây trồng góp phần giảm nghèo nơi biên giới của huyện Quản Bạ”.
Nhờ sự cố gắng nỗ lực của mỗi gia đình và sự định hướng, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và ngành chuyên môn địa phương, nông dân xã Nghĩa Thuận đã có những bước chuyển mình đầy triển vọng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, phát triển trồng cây ăn quả đã và đang được xã Nghĩa Thuận từng bước khai thác hiệu quả, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu
Ý kiến bạn đọc