Đồng Văn đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
BHG - Nâng cao năng suất, chất lượng và từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã làm thay đổi phương thức và tư duy sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội thi “Biểu tượng chợ vùng cao gắn với tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023. |
Đồng Văn là huyện có diện tích hoa Bạc hà lớn nhất vùng Cao nguyên đá, đây là loài cây dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, hoa có màu tím hồng, nở rộ vào thời gian từ tháng 11 tới tháng 1 năm sau, là nguồn nguyên liệu tốt nhất cho loài ong bản địa hút làm mật. Vì thế mật ong Bạc hà đã nhanh chóng trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện và trở thành sản phẩm đặc thù của tỉnh Hà Giang, sớm khẳng định được thương hiệu với người tiêu dùng. Trong những năm qua, nhiều hộ dân ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã thực hiện tốt việc khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ, đồng thời nhân rộng diện tích cây hoa Bạc hà gắn với phát triển đàn ong địa phương. Riêng tại huyện Đồng Văn đã khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ từ 800 ha năm 2018 lên gần 1.500 ha năm 2023, với tốc độ tăng trưởng đàn ong bản địa bình quân đạt 31,9%/năm, đến nay tổng đàn ong bản địa hiện có trên địa bàn gần 13.500 đàn, với sản lượng mật hàng năm cho gần 75 nghìn lít/năm.
Trước đây khi người dân chưa thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mật ong giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân thì tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là chủ yếu, chưa được quản lý chặt chẽ về chất lượng và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến nông dân nuôi ong thu nhập thấp, không ổn định và gặp nhiều khó khăn. Ông Sùng Sính Vư, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp Hà An cho biết: Hiện nay HTX đang thực hiện liên kết với 3 hộ chăn nuôi ong bản địa, với trên 1.200 đàn, bình quân mỗi năm thu về hơn 5 nghìn lít mật, ước tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng. Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân đã và đang khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn cho người nông dân. Qua đó góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân.
Đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Văn cho hay: Hiện nay trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp, 4 HTX tham gia liên kết với 51 hộ chăn nuôi ong bản địa, với tổng số trên 6.500 đàn ong, hàng năm cho tổng sản lượng tiêu thụ trên 15.500 lít mật, giá trị đạt 5 tỷ 825 triệu đồng/năm và đang có xu hướng tăng dần sự liên kết. Sản phẩm mật ong đều được đóng chai lọ, có bao bì, dán tem nhãn mác, mã vạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Toàn huyện hiện có 29 HTX, 36 tổ hợp tác và 89 nhóm sở thích làm đầu mối thực hiện các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mật ong hoa Bạc hà, thì các sản phẩm nông nghiệp như: Hạt Tam giác mạch, ớt Gió, vải lanh, chè, bánh đá, củ Sâm khoai, quả lê, thịt lợn đen, bò Vàng.... huyện đã thực hiện hỗ trợ nâng cấp, xây dựng được 7 dự án liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm đặc trưng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay đã xây dựng thành công 27 sản phẩm được cấp chứng nhận, trong đó có 2 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bao gồm mật ong Bạc hà, bò Vàng Đồng Văn; 1 chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả lê; 6 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu, bao gồm: Bộ sản phẩm Tam giác mạch; bộ sản phẩm Đậu xị; bộ sản phẩm Thịt bò vàng; bộ sản phẩm Thổ cẩm từ lanh và hoa Hồng và 18 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Điểm nổi bật của mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu tụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 600 hộ nông dân; làm thay đổi phương thức, tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân, từng bước giảm nghèo bền vững.
Huyện Đồng Văn hiện đang hình thành nhiều chuỗi liên kết đã giúp người dân nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường, khi tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện tốt chuỗi giá trị trong sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong huyện gia tăng khả năng cạnh tranh và từng bước xây dựng được thương hiệu nông sản của địa phương. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương. Vận dụng tốt cơ chế, chính sách xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho các ngành hàng nông sản chủ lực như mật ong Bạc hà, các loại cây củ, quả, chăn nuôi... có thế mạnh của địa phương. Hỗ trợ xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu. Tổ chức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc