Trồng Dâu tây kết hợp làm du lịch sinh thái ở Pố Lồ
BHG - Pố Lồ là xã giáp biên của huyện Hoàng Su Phì, có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mực nước biển với khí hậu mát mẻ quanh năm. Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều hộ dân Pố Lồ đã mạnh dạn trồng Dâu tây trên những thửa ruộng bậc thang của gia đình kết hợp với làm du lịch sinh thái, hứa hẹn trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Các em nhỏ trải nghiệm hái Dâu tây tại vườn. |
Từ năm 2017, một số hộ dân trên địa bàn xã đã trồng thử nghiệm giống Dâu tây và cho chất lượng quả thơm, ngọt, mọng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng truyền thống như lúa, ngô, đậu tương. Vì vậy, vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều hộ dân mạnh dạn nhân rộng mô hình. Chị Hoàng Thị Hoa, thôn Ngàm Buổng cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây Dâu tây nên cách đây 2 năm, gia đình tôi cũng tìm mua cây giống để trồng trên diện tích hơn 1.000 m2. Trồng Dâu tây không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật nhưng đòi hỏi người trồng phải hết sức tỉ mỉ và chịu khó từ khâu chuẩn bị đất trước khi trồng đến việc che phủ luống và tưới nước. Khu đất trồng Dâu tây phải được thu dọn, vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng. Cày ải, phơi đất, đồng thời bón lót vôi, phân lân và phân chuồng trước 15 – 20 ngày. Sau đó mới lên luống. Sau khi trồng cần che phủ luống để giữ ẩm cho cây, đồng thời hạn chế một số nấm bệnh, cỏ dại. Hiện nay, gia đình tôi và các hộ khác đều trồng Dâu tây theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản.
Nhờ định hướng trồng Dâu tây sạch, an toàn cùng với đặc điểm quả đỏ mọng, thơm, ngọt nên Dâu tây của xã Pố Lồ được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, tìm mua. Giá bán bình quân từ 150 - 220 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm đầu vụ, hoặc cuối vụ, giá bán có thể lên đến 250 nghìn đồng/kg. Cây thường được trồng từ tháng 9, tháng 10 năm trước và cho thu hoạch vào tháng 4 năm sau. Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 hộ trồng Dâu tây với tổng diện tích hơn 2 ha. Bình quân một vụ trồng Dâu tây, người dân có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
Vườn Dâu tây của chị Ly Thị Lỳ, thôn Cóc Có. |
Điều đặc biệt đó là một số hộ đang từng bước phát triển mô hình theo hướng kết hợp du lịch sinh thái, biến vườn Dâu tây thành địa điểm thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Chị Ly Thị Lỳ, thôn Cóc Có cho biết: Trên diện tích gần 2.000 m2 trồng Dâu tây tôi đã đầu tư thêm 1 chòi ngắm cảnh để du khách có thể đến đây tham quan, được tận tay hái quả và thưởng thức ngay tại vườn, đồng thời lựa chọn những trái tươi ngon nhất mang về làm quà. Vào những ngày cuối tuần, vườn Dâu tây của gia đình thu hút hàng trăm lượt khách. Tôi đang dự tính vào vụ Dâu tây năm sau sẽ đầu tư thêm các vật dụng trang trí, tu sửa chòi ngắm cảnh để thuận tiện cho du khách tham quan, trải nghiệm.
Chị Hoàng Thị Thủy, thị trấn Vinh Quang cho biết: Vào ngày nghỉ, tôi thường đưa gia đình lên đây để các cháu được trải nghiệm thu hoạch Dâu tây và tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Được tự tay hái và nếm thử hương vị của Dâu tây tươi ngon vừa thu hoạch, các cháu rất thích thú. Qua hoạt động trải nghiệm như vậy còn góp phần giáo dục tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường cho con trẻ.
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các gia đình chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng Dâu tây ở những thôn có khí hậu phù hợp. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện và các ngành liên quan tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Dâu tây cho người dân cũng như giới thiệu địa điểm mua cây giống uy tín, chất lượng. Đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chú trọng mở rộng diện tích gắn với phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao thu nhập, đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho địa phương.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc