Công ty Cổ phần giấy Hải Hà tăng cường năng lực sản xuất
BHG - Trong quý 1.2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Công ty Cổ phần giấy Hải Hà (Vĩnh Tuy – Bắc Quang) vẫn duy trì ổn định sản xuất. Đến nay, cán bộ, công nhân trong công ty vẫn có đủ việc làm, thu nhập.
4 dây chuyền của nhà máy giấy đế xuất khẩu Hải Hà vẫn duy trì sản xuất 2 ca/ngày. |
Giám đốc Công ty Cổ phần giấy Hải Hà Vũ Đại Đồng cho biết: Quý 1.2023, doanh nghiệp đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn nhất kể từ khi đưa nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 5.2007 đến nay. Trong quý, nhà máy đã phải cắt giảm tối đa mọi chi phí không cần thiết để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Bởi lẽ đến gần hết tháng 3.2023, Công ty vẫn chưa có đơn hàng mới được ký kết với các đối tác. Không có đơn đặt hàng, kèm theo đó là lãi suất vay vốn các ngân hàng tăng cao, hàng hóa sản xuất ra chất đống tồn kho... Khó khăn là thế, xong doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định sản xuất 2 ca/ngày tạo việc làm ổn định cho người lao động. Sản lượng sản xuất quý 1.2023 của nhà máy mới chỉ đạt được 774 tấn giấy đế, đạt 66% so cùng kỳ. Doanh thu bán hàng chỉ đạt trên 7,8 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 0,67 tỷ đồng. Tuy vậy nhà máy vẫn có niềm vui là tạo đủ công ăn, việc làm cho 54 lao động. Mức thu nhập bình quân đạt 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm của cán bộ, công nhân vẫn được doanh nghiệp lo đủ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Mai Đức Tuyến, công nhân nhà máy cho biết: Tôi đã không chọn nhầm doanh nghiệp khi ký hợp đồng lao động từ 5.2007 đến nay. Trong nhà máy cán bộ, công nhân luôn chung sức, đồng lòng: Khó khăn cùng gánh chịu, lợi nhuận, niềm vui cùng chia sẻ. Vào làm việc với doanh nghiệp gần 2 chục năm, anh Tuyến đã có cuộc sống ổn định cả về vật chất, tinh thần. Đầu năm 2023, là năm khó khăn nhất doanh nghiệp đã “không bỏ quên” người lao động sống gắn bó với nhà máy.
Nhìn lại toàn bộ kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 1 đều giảm sâu, Giám đốc nhà máy Vũ Đại Đồng giải thích: Nguyên nhân của sự suy giảm quý 1 là bởi tác động của nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Tác động của đại dịch Covid – 19, dẫn đến các đơn hàng của những đối tác làm ăn truyền thống trong khu vực bị cắt giảm. Thị trường mới thì rối loạn không có đơn đặt hàng. Bởi vậy, gần như toàn bộ sản phẩm giấy đế sản xuất ra tại nhà máy bị tồn kho. Không xuất được hàng là không có tiền mặt dẫn đến thiếu vốn lưu động, thiếu tiền trả lương công nhân. Kèm theo là sự leo thang của giá vật tư nguyên liệu đầu vào xăng, dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng bị đẩy lên. Trong lúc khó khăn chồng chất, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã phải cầm cố tài sản thế chấp vay vốn hoạt động. Trước mắt, cắt giảm toàn bộ chi phí không cần thiết như hội họp, mua sắm tập trung để trả lương cho công nhân. Còn lại, điều tiết nội bộ ưu tiên vốn để duy trì sản xuất. Đến hiện tại, nhà máy vẫn nỗ lực duy trì 2 ca sản xuất/ngày. Đồng thời khắc phục mọi khó khăn để lo đủ lương, đủ việc làm cho công nhân. Doanh nghiệp xác định, đội ngũ người lao động là tài sản quý nhất, là động lực để doanh nghiệp phấn đấu. Chị Đặng Thị Liềm, công nhân nhà máy vui vẻ cho biết: Mặc dù thu nhập có giảm đôi chút so với cùng kỳ, nhưng toàn bộ anh, chị em công nhân vẫn có đủ việc làm, không ai bị buộc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong nhà máy, ban lãnh đạo đã biết chăm lo cho người lao động cả trong lúc khó khăn nhất. Và ngược lại, người lao động làm việc tại nhà máy cũng đã hết lòng cùng doanh nghiệp vượt khó vươn lên.
Giám đốc nhà máy, Vũ Đại Đồng cho biết thêm: Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã nhận được nhiều tín hiệu khả quan từ các bạn hàng truyền thống. Doanh nghiệp đang quyết tâm phấn đấu: Quý 2 sẽ đưa năng lực sản xuất của nhà máy lên khoảng 1.000 tấn sản phẩm. Phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Đặt mục tiêu hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh năm 2023. Đồng thời, chăm lo đầy đủ lợi ích lương, thưởng, bảo hiểm cho người lao động để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc