Chị Nguyễn Thị Gấm quyết tâm làm giàu

19:29, 08/03/2023

BHG - Xác định khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh là giải pháp để phụ nữ tự tạo việc làm, phát triển kinh tế; thời gian qua, dưới sự tuyên truyền, hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh, nhiều hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, tấm gương cần cù, sáng tạo của chị Nguyễn Thị Gấm, tổ 11, thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) là một điển hình để hội viên phụ nữ học tập, noi theo.

Niềm vui của chị Gấm bên vườn cam Đường canh trĩu quả.
Niềm vui của chị Gấm bên vườn cam Đường canh trĩu quả.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê hương và suy nghĩ “yêu lao động thì cuộc sống mới tốt đẹp và có ý nghĩa”, chị Gấm đã không cho bản thân mình được ngơi nghỉ. Với diện tích đất vườn hơn 1,5 ha, trước đây gia đình chỉ trồng rau và một số loại cây gỗ tạp, không đem lại hiệu quả kinh tế, chị đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây cam Đường Canh. Năm 2015, chị quyết tâm vay mượn tiền để mua cây giống về trồng thử nghiệm.

Khi được hỏi tại sao lại chọn cây cam Đường Canh để khởi nghiệp, chị Gấm cho biết: “Thời điểm đó ở địa phương, các gia đình đều trồng cây cam Sành hoặc cam Chanh, mặc dù cũng đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng sau quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết cây cam Đường Canh là giống cam đặc biệt, có độ ngọt cao nhất trong các giống cam hiện nay, vỏ khi chín có màu đỏ đậm, bắt mắt, cam nhiều nước và hương vị thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, tôi đã quyết tâm mua cây giống về trồng với hy vọng sẽ có ngày được hái quả ngọt”.

Mô hình nuôi lợn thương phẩm của chị Gấm.                                          Ảnh: YÊN HOA

Mô hình nuôi lợn thương phẩm của chị Gấm.

Ảnh: YÊN HOA

Ban đầu, chị gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc do giống cam Đường Canh tại thị trấn Nông trường Việt Lâm không có nhiều người trồng, nên việc học hỏi kỹ thuật tại địa phương rất hạn chế. Không nản chí, chị vừa tích cực học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, vừa thường xuyên chăm sóc vườn cam bằng các loại phân hữu cơ như phân chuồng ủ hoai mục, đỗ tương nghiền ủ, tro bếp... Trong một tháng đầu sau khi trồng, chị cứ ngày ngày tưới nước cho cây vào mỗi buổi sáng và buổi chiều, bao giọt mồ hôi của người phụ nữ tảo tần cứ thấm sâu vào từng thớ đất.

Không phụ công chị ngày đêm chăm bón, niềm vui của chị Gấm như vỡ òa khi sau 5 năm, vườn cam Đường Canh rộng 1,5 ha đã cho những trái ngọt, đem về nguồn thu hơn 150 triệu đồng. Chị càng có thêm động lực để chăm bón cho vườn cam. Bóng dáng người phụ nữ cứ miệt mài, hằn in trên vườn cam xanh tốt.

Thành công từ vườn cam Đường Canh với nguồn thu hơn 150 triệu đồng mỗi năm nhưng chị Gấm luôn có ý chí tiến thủ, vươn lên, không tự mãn với những gì mình có; chị tiếp tục trồng thêm 100 gốc bưởi Da xanh và đầu tư chuồng trại để chăn nuôi lợn thương phẩm. Hiện, mỗi lứa lợn chị nuôi từ 20 đến 30 con, một năm xuất bán ra thị trường được 3 lứa lợn thương phẩm. Từ việc nuôi lợn và trồng cây ăn quả, 1 năm chị Gấm có nguồn thu từ 250 triệu đến 300 triệu đồng.

Điều đáng quý ở chị Gấm đó là chị không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, mà luôn tích cực, chủ động chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế với các hội viên phụ nữ khác. Chị Gấm chia sẻ: “Bản thân mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, vì thế tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam khi chị em phụ nữ trong tổ muốn học hỏi. Tôi cũng chia sẻ địa chỉ mua cây giống uy tín để chị em nếu có nhu cầu thì tìm mua, tránh mua phải cây giống không đảm bảo chất lượng”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nông trường Việt Lâm, Hà Ngọc Liên cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có khoảng 5 mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công, đem lại thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/năm. Trong đó, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của chị Nguyễn Thị Gấm là một điển hình. Với tinh thần sáng tạo và sự cần cù, siêng năng cùng định hướng khởi nghiệp rõ ràng, mô hình của chị đã thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công từ mô hình này đã góp phần “thắp lửa” khởi nghiệp cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương”.

Bài, ảnh: YÊN HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những hình ảnh đẹp cải tạo vườn tạp ở Thài Phìn Tủng
BHG - Thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp, thời gian qua người dân huyện Đồng Văn đã tận dụng và phát huy tốt nhiều diện tích vườn đồi. Trồng gừng xen canh dưới tán lê là một cách làm được người dân ở thôn Khí Lé, xã Thài Phìn Tủng áp dụng. Sau những ngày tháng vất vả lao động, mùa Xuân, khi những cành đào, cành lê bung sắc hoa cũng là lúc bà con người Mông thu hoạch những khóm gừng già thơm để xuất ra thị trường. Cải tạo vườn tạp không chỉ là việc trồng những cây trồng mới, mà còn là cách người dân biết phát huy tối đa hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích để tăng thêm thu nhập.
28/02/2023
Đoàn đại biểu Chính quyền Nhân dân châu Văn Sơn khảo sát một số mô hình kinh tế tại huyện Bắc Quang
BHG - Ngày 28.2, đoàn đại biểu Chính quyền Nhân dân (CQND) châu Văn Sơn do đồng chí Trần Chí Thành, Ủy viên BTV Châu ủy, Phó Châu trưởng CQND châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) làm trưởng đoàn cùng các thành viên có chuyến tham quan, khảo sát một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại huyện Bắc Quang gồm: Hợp tác xã (HTX) sản xuất thanh long ruột đỏ (xã Đồng Yên); Công ty Cổ phần chè Hùng An (xã Hùng An), Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng (thị trấn Vĩnh Tuy). Tham gia khảo sát cùng đoàn có lãnh đạo Sở Ngoại vụ; Thường trực UBND huyện Bắc Quang.
28/02/2023
Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp
BHG - Chiều 27.2, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang và Sở KH&ĐT đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Tham dự có: Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh; các tổ chức tín dụng (TCTD); các cá nhân, doanh nghiệp, HTX.
28/02/2023
Khoảng 60 tấn cam Hà Giang đã được Hà Tĩnh hỗ trợ tiêu thụ
BHG - Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong niên vụ cam 2022 – 2023, Hội Nông dân tỉnh đã kết nối với Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ tiêu thụ cam Sành và cam Vàng của tỉnh với số lượng khoảng 60 tấn.
28/02/2023