Ưu tiên nguồn lực đầu tư lưới điện vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Là tỉnh miền núi, địa bàn hiểm trở, chia cắt, người dân cư trú phân tán, nhiều khu vực chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chưa có điều kiện tiếp cận điện lưới quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Công ty Điện lực Hà Giang đang huy động các nguồn lực đầu tư cấp điện mới đưa ánh sáng đến với người dân. Ánh sáng điện đến bản làng góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Điện lực thành phố Hà Giang hỗ trợ dây, bóng điện miễn phí cho người dân thôn Bản Cưởm, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). |
Thôn Tả Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ là thôn đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nên việc đầu tư đưa điện lưới quốc gia gặp nhiều trở ngại. Trước đây cuộc sống của bà con rất khó khăn, nguồn sáng chủ yếu bằng đèn dầu. Đầu năm 2022, điện lưới quốc gia đã về với bản làng, đời sống của người dân có sự đổi thay rõ rệt. Các thông tin thời sự, văn hóa được cập nhật tốt hơn; trẻ em có ánh sáng học con chữ trong niềm vui mới.
Anh Lù Seo Già, Bí thư Chi bộ thôn Tả Lử Thận, cho biết: Bây giờ có điện bà con rất phấn khởi, bởi có điện, cuộc sống mới phát triển được. Bà con đã sắm máy nông nghiệp phục vụ sản xuất nên đỡ vất vả hơn trước nhiều. Có điện các gia đình đều có ánh sáng, bà con đã mua ti vi về để xem truyền hình và các thông tin đại chúng của nhà nước”.
Thôn Nàng Cút, xã Thu Tà là địa phương xa xôi và khó khăn nhất của huyện Xín Mần, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Ngày khánh thành đưa điện về thôn là ngày vui nhất của bà con nơi đây. Điện chiếu sáng mọi nhà, ước mơ có điện lưới quốc gia của bà con bao năm nay đã trở thành hiện thực. Mọi người, mọi nhà được nghe đài, xem ti vi, đời sống sinh hoạt được nâng cao. Cả thôn vùng biên như bừng sáng.
Đồng chí Hoàng Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thu Tà cho biết: “Có điện, bà con tiếp cận những thông tin rất bổ ích trên truyền hình, bà con đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và cách làm hay để áp dụng sản xuất, xóa đói, giảm nghèo cũng như nắm bắt được chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện và làm theo”.
Chủ tịch UBND xã Nậm Ban (Mèo Vạc), Nông Văn Dùng cho biết: “Xã được Chương trình 30a và 135 đầu tư công trình cấp điện tại thôn Nà Tằm đã nâng tổng số thôn được cấp điện là 10/12 thôn. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của bà con nhân dân”.
Nhờ có những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư nguồn lực thúc đẩy phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thôn, bản vùng biên hiện đại hóa hệ thống lưới điện nông thôn. Các cột điện được nâng cấp an toàn, chắc chắn đưa ánh sáng về mỗi nhà. Có điện thắp sáng cũng thắp lên khát vọng phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh ta phấn đấu tất cả các thôn, bản đều có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất của ngành Điện là khi đưa điện lưới đến các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều đèo dốc gây khó khăn trong vận chuyển vật tư và vốn đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, đồng bào sống rải rác không tập trung nên phải kéo dài đường dây dẫn đến tình trạng điện áp không đảm bảo.
Đồng chí Hoàng Văn Thiện, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang khẳng định: “Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng, đi lại rất khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, xa, ngoài các thôn, bản đã có điện còn rất nhiều các nhóm hộ ở các thôn chưa được kéo điện. Công ty Điện lực Hà Giang sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư từ nay đến năm 2025 xóa được việc sử dụng điện qua công tơ tổng, đảm bảo cho nhân dân sử dụng đúng chất lượng điện năng và giá bán điện do Chính phủ quy định”.
Có điện lưới quốc gia từ năm 2014, 76 hộ đồng bào Dao, thôn Khuổi Mù, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) đã tập trung phát triển kinh tế hộ, ứng dụng KHKT vào sản xuất. “Nhà tôi có 3 ha cam Sành, vào thời điểm cây cam sinh trưởng mạnh cần nhiều nước tưới, nhưng thời tiết khô hạn, không có mưa, gia đình đã đầu tư bơm cao áp, dẫn nước về tưới từng gốc cây nên thường đạt sản lượng khá. Những lúc nông nhàn tôi tranh thủ may quần áo, trang phục truyền thống của dân tộc Dao bán cho khách hàng. Trước kia công việc này chỉ làm thủ công, nay có điện việc sản xuất cũng dễ dàng hơn, năng xuất lao động cũng tăng lên”. Bà Trương Thị Tâm cho biết.
Có thể thấy, những đổi thay tích cực trên địa bàn tỉnh ta nhiều năm trở lại đây là nhờ việc đưa điện đến các thôn, bản biên giới khó khăn. Thời gian tới, Công ty Điện lực Hà Giang tiếp tục đưa ánh điện đến những vùng núi cao, trong từng mái nhà, góp phần đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho vùng đất phên dậu Tổ quốc.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc