Hiệu quả liên kết sản xuất trồng Gừng trâu ruột vàng
BHG - Những năm gần đây, chính quyền huyện Quản Bạ đã tận dụng các tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ban tặng để hướng dẫn người dân làm kinh tế hiệu quả. Trong đó có việc đưa cây gừng vào trồng thử nghiệm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được địa phương tích cực triển khai.
Cán bộ xã Tùng Vài (Quản Bạ) kiểm tra diện tích gừng của hộ anh Hàng Xuân Trường, thôn Lùng Chu Phìn. |
Trước đây, người dân một số thôn vùng cao của xã Tùng Vài chỉ canh tác được 1 vụ ngô, do điều kiện địa hình đồi núi dốc, ở vùng sâu, vùng xa nên khó phát triển sản xuất cây rau màu như các xã vùng thấp. Đến vụ Đông năm nay, được chính quyền địa phương vận động trồng gừng cho HTX thu mua, một số hộ đã thử nghiệm cây trồng mới này. Gia đình anh Hàng Xuân Trường, thôn Lùng Chu Phìn, năm nay trồng được gần 1.500 m2 Gừng trâu ruột vàng. Anh Trường cho biết: “Trước đây, nhà tôi thu hoạch ngô xong là để trống ruộng do không biết trồng loại cây gì phù hợp. Đến vụ năm nay được xã tuyên truyền trồng gừng trâu để HTX thu mua, nhà tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm. Tôi nhận thấy gừng là loại cây dễ trồng và ít sâu bệnh, chỉ cần bón phân chuồng là cây phát triển tốt, không mất nhiều công chăm sóc. Giống gừng này cho năng suất cao, mỗi cây có thể thu hoạch được vài kg gừng tươi nên cho thu nhập khá. Sau vụ này, năm sau tôi sẽ tiếp tục trồng gừng để tăng thu nhập cho gia đình”.
Năm nay xã Tùng Vài triển khai mô hình trồng Gừng trâu ruột vàng được hơn 3 ha. Phó Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Trọng Tùng, cho biết: “Việc liên kết sản xuất trồng gừng là mô hình sản xuất mới, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đây là một mô hình “xóa đói, giảm nghèo”, rất dễ thực hiện, ít công chăm sóc, vốn đầu tư không nhiều, kỹ thuật trồng đơn giản và cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện các hộ dân ở đây. Sắp tới, xã sẽ tuyên truyền và nhân rộng mô hình để nông dân áp dụng, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho bà con”.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, lãnh đạo huyện Quản Bạ đã tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX đến liên kết sản xuất với nông dân trên địa bàn. Điển hình đã thu hút được HTX dược liệu Sơn Ý, ở huyện Vị Xuyên tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con, với giá thu mua 11 nghìn đồng/kg. Ngành chuyên môn đã tham mưu cho huyện hỗ trợ bà con kinh phí sản xuất ban đầu với số tiền trên 364 triệu đồng cho 16 hộ, diện tích 4,912 ha, gồm: Xã Tùng Vài 3,012 ha; Quản Bạ trồng được 1,9 ha. Hình thức hỗ trợ 100% tiền giống ban đầu, sau khi bà con thu hoạch sẽ thu hồi 50% giá giống. Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ đã vượt qua tâm lý lo ngại về đầu ra, tham gia học hỏi kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất. Bà con cũng thay đổi tư duy, thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học bằng cách sử dụng phân chuồng ủ, phân xanh chăm bón cây trồng. Nhờ đó mà cây gừng trồng theo hướng hữu cơ đã phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho bà con.
Mô hình trồng Gừng trâu ruột vàng hàng hóa được nhận định là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Sản xuất và tiêu thụ gừng đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp đưa một cây trồng mới vào sản xuất tại địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc