Giữ vững tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp
BHG - Năm cũ qua đi, vượt qua khó khăn, thách thức, các ngành kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có nhiều khởi sắc, tăng trưởng 5,04%. Phát huy những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong năm 2023.
Nông dân xã Tiên Yên (Quang Bình) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Năm 2022, các chỉ tiêu chính về sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch, các cây trồng ngắn ngày gieo cấy đảm bảo thời vụ, năng suất, sản lượng. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ từ chiều rộng sang chiều sâu, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với mục tiêu cốt lõi nhằm tăng thu nhập cho người dân. Công tác phòng, chống dịch bệnh, tái đàn cho gia súc, gia cầm và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng có sự chuyển biến rõ rệt. Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đạt 59,5 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp 32%; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 58,5%.
Ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh thực hiện cải tạo 2.325 vườn tạp, đa số các hộ cải tạo vườn trồng rau, củ, quả và chăn nuôi lợn, gà, cá, cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trước. Đối với Đề án phát triển bền vững cây cam Sành, các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đã giải ngân vốn vay cho 63 hộ với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng, diện tích thâm canh cam Sành đạt 91 ha. Chương trình bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện tại 7 huyện với 488 ha, trong năm có 14.300 ha rừng được giao cho các hộ, cộng đồng dân cư quản lý.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng các sản phẩm, nhất là phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương như: Hồng không hạt, chè Shan tuyết, Thảo quả, Tam giác mạch, bò vàng Hà Giang, mật ong Bạc hà. Trong năm 2022, qua đánh giá, phân hạng có 37 sản phẩm đạt sao OCOP. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 270 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP, trong đó, có 229 sản phẩm 3 sao, 39 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, nổi bật là trà xanh Phìn Hồ, hồng trà Shan tuyết, rượu ngô men lá Mã Pì Lèng... Một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như mở rộng các kênh kết nối, thị trường tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để giữ vững tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành đã tập trung xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục cụ thể hóa 4 nghị quyết chuyên đề của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh về chương trình cải tạo vườn tạp; phát triển bền vững cây cam Sành; phát triển lâm nghiệp bền vững và phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Năm 2023, toàn ngành phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 41,8 vạn tấn; giá trị sản phẩm trồng trọt, thu hoạch bình quân mỗi ha đất canh tác đạt 62 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi đạt 32%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,9%. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với đẩy mạnh liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp đặc trưng của tỉnh”.
Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu Xuân năm mới, các vùng miền trên địa bàn tỉnh đang ra sức thi đua thực hiện hóa các mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, nhân rộng những mô hình hay, điển hình, tạo đòn bẩy cho sự bứt phá nông nghiệp.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc