Giữ những cánh rừng thêm xanh ở Việt Lâm
Bằng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) kịp thời, người dân xã Việt Lâm (Vị Xuyên) không những có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế rừng, mà còn có cách làm hay phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần làm xanh thêm những cánh rừng của địa phương.
Công tác chi trả DVMTR tại xã Việt Lâm được giám sát chặt chẽ. |
Thôn Lèn là địa bàn có 304 ha rừng tự nhiên và gần 100 ha rừng trồng của các hộ dân được chi trả DVMTR. Kể từ khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt. Để cùng nhau giữ rừng, ngoài việc tuyên truyền, vận động, đều đặn từng tháng, các thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng của thôn sẽ thay phiên đi tuần tra, kiểm soát khu vực rừng được giao khoán. Nhờ vậy, 2 năm gần đây, trong thôn không phát hiện trường hợp nào khai thác rừng trái phép, xâm lấn đất rừng làm nương rẫy, rừng trồng cây gỗ keo, bồ đề của bà con ngày càng phát triển.
Anh Cao Bình Chất, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Lèn chia sẻ: “Năm 2021, thôn Lèn được chi trả trên 29 triệu đồng DVMTR. Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho các thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, mua cây giống trồng rừng, thôn đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi chung của thôn như: Làm mới đường giao thông nông thôn, tu sửa cầu, cống, nhà văn hóa. Cách làm này được người dân rất đồng tình, ủng hộ bởi vừa tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vừa có nguồn lực xã hội hóa để triển khai các hoạt động của thôn, đảm bảo an sinh xã hội”.
Cán bộ kiểm lâm huyện Vị Xuyên cùng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng kiểm tra những cánh rừng ở thôn Lèn, xã Việt Lâm. |
Xã Việt Lâm có tổng diện tích rừng là 1.794 ha. Trong đó, rừng phòng hộ là 845 ha, rừng sản xuất là 949 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%. Toàn xã có 8 thôn, mỗi thôn có 1 Tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Hiện nay, các thôn đang được chi trả tiền DVMTR của năm 2021, với tổng số tiền trên 105 triệu đồng, đối với hộ nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả DVMTR thông qua bưu điện. Qua kiểm tra, giám sát thường xuyên, công tác chi trả DVMTR và khoán bảo vệ rừng được thực hiện theo đúng quy định thời gian, tiến độ, đúng đối tượng, công khai và minh bạch. Đặc biệt, các thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng tại các thôn là những người năng nổ, trách nhiệm, nắm chắc địa bàn, thông tin, phản ánh kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương mọi vấn đề xảy ra tại cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Lâm, cho biết: “Cùng với việc phát huy vai trò của các Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các ban, ngành, đoàn thể của xã cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến về chính sách chi trả DVMTR, vận động cán bộ, hội viên tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Với nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực bằng hình thức trực tiếp hoặc trên Zalo, Facebook, hội, nhóm, các hộ dân, cộng đồng dân cư nhận thức rất rõ về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc giữ rừng, phát triển mô hình trồng rừng, mang lại lợi ích “kép” về kinh tế, duy trì môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chống xói mòn đất, giảm nhẹ thiên tai, lũ lụt”.
Có thể khẳng định, chính sách chi trả DVMTR đã có những tác động tích cực đến việc bảo vệ, khôi phục, phát triển vốn rừng, tạo đà phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Màu xanh trên những cánh rừng ở xã Việt Lâm ngày càng được nhân lên, đồng bào các dân tộc nơi đây cùng chung tay, góp sức giữ rừng, bảo vệ lá phổi xanh.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc