Đặt nền móng cho ước vọng Xuân
- Mùa Xuân đến sự chuyển mình của đất trời thiên nhiên như báo hiệu khí thế mới trên mảnh đất Xin Mần. Sau những năm tháng toàn lực chống dịch Covid -19, giờ đây là một giai đoạn mới để huyện biên giới phía Tây mở ra những nét mới trong văn hóa, xã hội và kinh tế, quốc phòng. Năm 2022 là năm bản lề để tạo ra những cú hích mới cho mọi mặt trên mảnh đất biên cương, trong đó nổi bật là các dự án liên kết đầu tư, bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mang tính bền vững phù hợp với nguyện vọng của bà con nhân dân.
Lãnh đạo huyện Xín Mần kiểm tra sản phẩm Củ cải trắng trồng liên kết tại xã Xín Mần. |
Khí thế thi đua sản xuất nông nghiệp Xín Mần vẫn luôn được duy trì dù trong hoàn cảnh nào. Xác định nông nghiệp vẫn là ngành mũi nhọn và để ngày càng nhiều sản phẩm nhà nông trở thành mặt hàng tạo ra lợi nhuận trực tiếp cho bà con, UBND huyện Xín Mần từng bước mở cửa, kêu gọi thu hút đầu tư cho sản phẩm nông nghiệp từ các đơn vị doanh nghiệp và cá nhân tạo ra nhiều mô hình, sản phẩm mới mang tính thương mại cho bà con nhân dân các xã. Năm 2022, huyện thực hiên liên kết trồng củ cải theo chuỗi giá trị tại xã Xín Mần, quy mô 5,5 ha, số hộ tham gia là 12 hộ. Công ty VietNam Misaki cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu cho nhân dân sau khi bán sản phẩm cho Công ty theo cam kết. Năng suất 40 tấn/ha, sản lượng dự kiến trên 200 tấn. Giá trị thu được 80 triệu đồng/ha. Hiện, Công ty TNHH VietNam Misaki đang tổ chức thu mua và sơ chế củ cải tại xã Xín Mần. Thực hiện liên kết gừng trâu 3 ha tại thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài với 3 hộ tham gia; năng suất dự kiến đạt 50 tấn/ha, sản lượng dự kiến 150 tấn. Công ty TNHH VietNam Misaki thu mua một phần gừng bánh tẻ theo yêu cầu của đối với giá 7.000 đồng/kg. Giá trị thu được 350 triệu đồng/ha. Thực hiện liên kết Dưa chuột 3.000 m2 tại thôn Tân Sơn, xã Tả Nhìu, Công ty cung ứng giống cho người dân; năng suất đạt 40 tấn/ha, sản lượng 13,5 tấn. Giá trị thu được trên 100 triệu đồng/ha, hiện nay Dưa chuột đang cho thu hoạch. Triển khai trồng tre Bát độ tại 3 xã phía Nam với diện tích trồng năm 2022 là 50 ha, hiện nay đã triển khai trồng tại xã Nà Chì được 5 ha. Mới đây nhất dự án mang tính khả thi gắn với địa hình, thiên nhiên các xã miền núi của huyện là nuôi dê liên kết với HTX Công nghệ cao Tuyến Thành tỉnh Tuyên Quang đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân Xín Mần.
Niềm vui được mùa củ cải. |
Trong không khí tưng bừng sắc Xuân, đồng chí Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần hào hứng chia sẻ về những nét mới đã đạt được và kế hoạch lâu dài cho ngành Nông nghiệp huyện: Với sự học hỏi, cọ sát và liên tục xúc tiến kêu gọi đầu tư thời gian qua, UBND huyện đã tạo được nhiều bước đệm giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện được triển khai theo lộ trình và có định hướng lâu dài, từng bước mang lại kết quả bền vững cho bà con nông dân. Chương trình liên kết đã góp phần làm tăng thêm giá trị trên một đơn vị diện tích, đảm bảo theo kế hoạch tỉnh giao 45,5 triệu đồng/ha năm 2022. Việc triển khai thực hiện chương trình liên kết theo chuỗi giá trị, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân...
Công nhân xưởng chế biến của Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Nhật Bản) phơi củ cải. |
Những ngày Xuân rộn ràng sắc hoa, ngành Nông nghiệp huyện ngày một khởi sắc với các mô hình đầy hứa hẹn mang tính bền vững, đó chính là kết quả bước đầu của một kế hoạch có lộ trình, bước đi cụ thể để từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo một hình thái mới, hiện đại hơn, bền vững hơn là những gì huyện miền núi phía Tây Xín Mần đang hướng tới.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc