Tươi sáng nông nghiệp trên đất Cổng trời
BHG - Trồng rau trái vụ, rau an toàn đáp ứng yêu cầu về chất lượng, một số loại rau chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao, sau khi trừ chi phí cho lãi thuần từ 94 đến 469 triệu đồng/ha, tương đương thu nhập gấp từ 4,6 đến 19 lần so với trồng lúa, ngô… Đó chính là kết quả của việc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân; cùng với đó là hướng đi, cách làm của huyện trong việc phát triển nền nông nghiệp địa phương, góp phần xây dựng hình ảnh về huyện Quản Bạ hiện đại và phát triển.
Người dân xã Quyết Tiến thu hoạch Dưa chuột. Ảnh: VIỆT TÚ |
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ đã ban hành 7 Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp gồm: Phát triển cây dược liệu; cây rau - hoa; Hồng không hạt; ong mật; bò Vàng vùng cao; thực hiện Đề án “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); cải tạo vườn tạp… Huyện đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả trong phát triển sản xuất, trong đó chú trọng ứng dụng KHKT, chuyển giao công nghệ trong sản xuất như: Tập trung đầu tư xây dựng các mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, có hệ thống tưới tiêu tự động… Phát huy vai trò của chính quyền làm cầu nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong liên kết sản xuất từ khâu lựa chọn cây trồng đến khâu chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, huyện đã khai thác hiệu quả tiềm năng về con người, đất đai và khí hậu của từng vùng, từng bước nâng cao chất lượng, số lượng và đa dạng sản hóa phẩm nông nghiệp; các sản phẩm nông nghiệp của huyện được thị trường đón nhận, một số sản phẩm đã có mặt tại các trung tâm giới thiệu sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc.
Với định hướng, cách làm cụ thể, hiệu quả, ngành Nông nghiệp của huyện đã có sự chuyển mình rõ nét với 28 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP được tỉnh công nhận đạt 3, 4 sao. Hình thành các xã trọng điểm trồng rau như: Quản Bạ, Tùng Vài, Quyết Tiến, Đông Hà, thị trấn Tam Sơn. Một số mô hình thực hiện có hiệu quả như: Mô hình liên kết sản xuất sản phẩm Dưa chuột của Công ty TNHH Dưa Leo quê Vùng Miền tại xã Quyết Tiến, cho thu nhập bình quân 160 triệu đồng/ha; mô hình hợp tác trồng rau chuyên canh của Hợp tác xã Nông nghiệp Quản Bạ tại xã Quyết Tiến với diện tích 10 ha, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây Cà chua trái vụ năng suất 55 tấn/ha, cho thu nhập 495 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau trái vụ, trồng trong nhà lưới thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha… Điều này mở ra triển vọng cho nghề trồng rau sạch ở Quản Bạ.
Bức tranh mới của ngành Nông nghiệp trở thành yếu tố tác động đến suy nghĩ của người dân, trong việc tìm tòi, học hỏi nâng cao tay nghề, tiếp cận KHKT... Đáp ứng nhu cầu đó, huyện đã không ngừng đổi mới nội dung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đảm bảo sát với nhu cầu thực tế; tổ chức tuyên truyền, tư vấn trên 1.100 lượt người và có hơn 500 người đăng ký đào tạo nghề: Trồng rau an toàn, thụ tinh nhân tạo, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; trong năm tổ chức đào tạo được 15 lớp, với 515 người... Đồng thời, để tránh thiệt hại cho người dân do thiên tai, dịch bệnh gây ra, huyện đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hỗ trợ các hợp tác xã liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hợp đồng; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, phát huy được vai trò trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp.
Mục tiêu “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá, hướng tới làm giàu trên đá” được Đảng bộ và nhân dân huyện Quản Bạ đề ra đang dần hiện thực hóa trong việc phát triển cây trồng chủ lực, hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều triệu phú từ những miền đá xám, vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, đưa sản phẩm nông sản huyện vươn xa và giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc