Sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ thân thiện với môi trường
BHG - Hà Giang là địa phương sản xuất chè đứng thứ 3 của cả nước với diện tích đạt trên 20.300 ha, sản lượng trên 91.600 tấn. Với điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi, sản phẩm chè của tỉnh nổi tiếng có chất lượng sạch, thơm ngon. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế đó, các vùng trồng chè của tỉnh đang đẩy mạnh phát triển sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu và giá trị chè, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Người dân thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) liên kết với Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ sản xuất chè hữu cơ. |
Cây chè Shan tuyết Hà Giang có lịch sử lâu đời, được trồng ở nhiều huyện, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Cây chè Shan tuyết được xác định là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Năm 2011, tỉnh bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên) với diện tích khoảng 900 ha. Tính đến nay, diện tích chè được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ 11.611 ha, chiếm trên 60% tổng diện tích chè toàn tỉnh. Sản phẩm chế biến từ chè Shan tuyết rất đa dạng, có thể chế biến thành sản phẩm chè Phổ Nhĩ và nhiều sản phẩm chè khác có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng.
Hiện, toàn tỉnh có trên 700 cơ sở chế biến chè các loại. Nhiều sản phẩm chè chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn lưu thông hàng hoá của thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo chất lượng, bao bì nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc. Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị chè, ngoài các chương trình, chính sách khuyến khích phát triển chè, ngành chuyên môn đã và đang triển khai xây dựng, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000 cho 14 cơ sở chế biến chè. Ngoài ra, toàn bộ diện tích chè VietGAP, hữu cơ được đưa vào sử dụng phần mềm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm cũng như điều hành, phát triển sản xuất.
Vườn ươm giống chè Shan tuyết của Nhà máy chè Quang Bình. |
Trong giai đoạn 2015 - 2020, các địa phương đã thực hiện công tác phân vùng nguyên liệu thông qua việc tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Mục đích phân vùng nguyên liệu giữa người sản xuất và người chế biến chè nhằm từng bước nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm, giúp người dân gắn bó với cây chè, ổn định cuộc sống. Theo đánh giá, từ năm 2018 trở lại đây, giá chè búp tươi đều tăng, ở các vùng thấp trung bình đạt từ 10.000 - 12.000 đồng/kg; ở các huyện phía Tây và các xã vùng cao của huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình đạt 15.000 - 18.000 đồng/kg, thậm chí có loại đạt 70.000 đồng/kg.
Ông Triệu Tà Hin, Giám đốc Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho hay: “Nguyên liệu chế biến chè của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ châu Âu tại 2 vùng chè thuộc xã Thông Nguyên và xã Túng Sán. Đi đôi với việc sản xuất, chúng tôi thường xuyên, liên tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân vùng trồng chè không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giữ cành tán phát triển tạo độ ẩm, sử dụng cây tạo rào chắn quanh gốc cây chè để tích tụ phân bón hữu cơ tự nhiên. Đối với những cây chè di sản được xem là tài sản Quốc gia nên người dân đã hiểu rất rõ về giá trị, luôn nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn cây chè. Sản phẩm chè Phìn Hồ (Fìn hò trà) đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia, được đánh giá cao về tiêu chuẩn, chất lượng, mang hương vị đặc trưng của vùng chè hữu cơ, thị trường tiêu thụ nội địa chiếm 70% và xuất khẩu chiếm 30%”.
Với lợi thế diện tích chè Shan tuyết cổ thụ lớn trên 100 năm tuổi khoảng 7.000 ha, sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, đây là nguồn nguyên liệu sản xuất các loại chè đặc sản, xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Nhằm bảo tồn nguồn gen quý của chè Shan tuyết Hà Giang, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 100 cây chè Shan tuyết đầu dòng tại các vùng trồng chè chính. Đặc biệt, toàn tỉnh có 1.629 cây chè là cây Di sản và là địa phương có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam nhiều nhất trong cả nước.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đưa cây chè thực sự là cây trồng hàng hóa chủ lực, cây làm giàu trong phát triển kinh tế, phát triển mạnh ở cả 3 khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trên cơ sở định hướng của tỉnh, ngành chuyên môn sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp áp dụng các quy trình canh tác, đầu tư chăm sóc chè theo chiều sâu, tạo vùng nguyên liệu tập trung chất lượng, an toàn, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật hiện có trong ngành chè để nâng cao năng suất và chất lượng chè. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị phát triển các sản phẩm chè hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường, ký kết các hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài. Quan tâm bảo tồn, khai thác nguồn gen quý chè Shan tuyết Hà Giang và duy trì phát triển các diện tích Chè Shan tuyết cổ thụ, chè Shan tuyết được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc