Xã Thuận Hòa đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân
BHG - Xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) có trên 7.000 nhân khẩu sinh sống ở 15 thôn, chủ yếu là dân tộc Mông và Tày. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nhiều mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập. Trong đó, trọng tâm là phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, thủy sản.
Trang trại nuôi bò 3B và bò Mông của HTX Cát Lý, thôn Mịch B với quy mô trên 200 con. |
Qua hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã đã đạt 11/19 tiêu chí. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đang được cấp ủy, chính quyền xã Thuận Hòa tích cực triển khai thực hiện. Ngoài việc phát triển nghề làm cốm, xã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc và thủy sản, tại xã có 2 mô hình hợp tác xã (HTX) là HTX Vượng Phát, nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sông Miện 5, tổng diện tích 1.500 m2 mặt nước, chủ yếu nuôi các loại cá Lăng, Bỗng, Chép và HTX Cát Lý nuôi bò Mông, bò 3B với quy mô trên 200 con.
Bà Nguyễn Thị Chiêm, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế, ngoài các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước xã còn tuyên truyền, khuyến khích bà con mở rộng diện tích, tạo điều kiện để bà con tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời kết hợp sản xuất với dịch vụ du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo việc làm nhiều hơn cho lao động địa phương.
Tham quan mô hình chăn nuôi bò Mông và bò 3B của HTX Cát Lý (Thôn Mịch B), một trong những mô hình điển hình phát triển kinh tế tại địa phương. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ mà đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh. HTX Cát Lý với 17 thành viên, trang trại bò quy mô trên 200 con, tổng diện tích trại bò trên 2.000 m2. Thị trường tiêu thụ bò 3B chủ yếu cung cấp cho các lò mổ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; riêng bò Mông, HTX bán tại thị trường Hà Giang và liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con vùng cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Giống bò 3B F1 và bò Mông nuôi không khó bởi có sức đề kháng cao, phàm ăn nên sản lượng thịt rất cao. Chuồng trại nuôi bò không cần cầu kỳ quá nhưng phải bảo đảm thoáng mát về mùa Hè, ấm áp về mùa Đông...
Chị Thượng Thị Hoa, Phó Giám đốc HTX Cát Lý cho biết: Bò Mông có thân hình vạm vỡ, bình quân nặng từ 450 đến 500 kg. Cá biệt có con đực nhìn giống như bò Tót, có thể nặng tới 700 kg. Giống bò này cho thịt mềm, độ ngọt cao, thích hợp phát triển hàng hóa, giá bán dao động từ 280 - 320 nghìn đồng/kg. Thời gian tới với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương HTX Cát Lý dự định nuôi bò giống Mông Hà Giang. Để phục vụ thức ăn cho đàn bò, HTX Cát Lý trồng thêm 5 ha cỏ, đồng thời thu mua ngô sinh khối của bà con trong xã để dự trữ thức ăn cho bò trong mùa Đông. Ngoài ra, HTX cũng tận dụng nguồn phân bò để xử lý làm phân vi sinh cung cấp cho bà con trong và ngoài huyện Vị Xuyên.
HTX thành lập tạo được mối liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, chuyên canh, từng bước giúp xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, đưa người dân vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, bền vững. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần ổn định cơ cấu lao động nông thôn, gia tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Thuận Hòa xác định tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, lấy thu nhập của người dân là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Ý kiến bạn đọc