Phát triển bền vững cam Sành Hà Giang - Kỳ cuối: Tạo sức bật cho cây cam Sành
BHG - Chủ trương chung của cấp ủy, chính quyền tỉnh là duy trì ổn định diện tích cam Sành toàn tỉnh chỉ 5.000 ha. Nhưng nhiều năm nay, diện tích cam Sành đã cao gấp 1,4 lần so với định hướng và bộc lộ không ít nhược điểm trong quá trình sản xuất. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc ban hành quyết sách, hành động mạnh mẽ để tạo đà cho cam Sành bứt phá, phát triển bền vững.
Các đại biểu tham quan vườn cam mẫu gắn với chuyển đổi số của anh Đặng Văn Phong (đầu tiên bên trái), xã Tiên Kiều (Bắc Quang). |
Những quyết sách mạnh mẽ
Chỉ từ tháng 12.2020 đến tháng 1.2021, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để phát triển bền vững cây cam Sành giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04, UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển bền vững cây cam Sành, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành. Những quyết sách quan trọng này đi vào cuộc sống đã chứng minh tính đúng đắn, tạo đột phá để cam Sành xứng tầm cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, tại 3 huyện trọng điểm về cam của tỉnh đã có trên 290 ha cam Sành của nhiều hộ dân được giải ngân nguồn vốn vay gần 5,3 tỷ đồng (ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh) để nâng cao chất lượng cam Sành. Bình quân, các hộ đầu tư từ 40 – 45 triệu đồng để chăm sóc thâm canh 1 ha cam (chiếm 67% tổng kinh phí được vay). Số kinh phí còn lại (15 – 20 triệu đồng/ha) được các hộ sử dụng làm đường giao thông nội vườn, mua dụng cụ cắt tỉa, tạo tán hoặc đầu tư tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tại các vườn cam được vay vốn đầu tư thâm canh cho thấy: Đa phần cây sinh trưởng, phát triển tốt, cây khỏe, lá xanh đậm, mẫu mã quả đẹp, đồng đều, trọng lượng đạt 4 quả/kg, cam Sành loại I chiếm từ 70 – 80%, độ ngọt (brix) bình quân đạt trên 10%. Đặc biệt, lợi nhuận của các nhà vườn tăng từ 21 – 24 triệu đồng/ha so với trước khi vay vốn đầu tư nâng cao chất lượng cam Sành.
Cùng với kết quả trên, tỉnh đã bố trí 320 triệu đồng để hỗ trợ Trung tâm Khoa học kỹ thuật (KHKT) Giống cây trồng Đạo Đức bảo tồn nguồn gen, nhân giống tốt với số lượng thực hiện là 640 cây cam Sành. Đồng thời, bố trí gần 190 triệu đồng hỗ trợ công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành. Hiện, các tổ chức, cá nhân đang hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng chính sách theo quy định.
Lan tỏa cách làm hay
Huyện Bắc Quang có gần 3.100 ha cam Sành, chiếm khoảng 43% tổng diện tích cam toàn tỉnh. Để cam Sành xứng tầm cây trồng chủ lực, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, được kỳ vọng tạo bước chuyển vượt bậc trong phát triển bền vững cây cam. Theo đó, để cải tạo vườn cam già cỗi, huyện Bắc Quang đã trồng thay thế giống cam có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng tốt ngay từ khi vườn cam có hiện tượng già cỗi, năng suất suy giảm. Đến nay, tại 2 xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo đã trồng thay thế 180 ha cam Sành già cỗi bằng giống cam CS1, V2 nhằm rải vụ, tăng giá trị kinh tế cho người trồng cam.
Đặc biệt hơn, đầu năm 2022, huyện Bắc Quang còn thực hiện mô hình vườn cam mẫu với tổng diện tích 16 ha gắn với chuyển đổi số tại 4 hộ trồng cam tiêu biểu của xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều và thị trấn Việt Quang. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Đàm Thuyên, cho biết: Đây là mô hình mới trong chiến lược phát triển bền vững cây ăn quả có múi của huyện. Mô hình này được triển khai trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, có sự phối hợp, chuyển giao, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”. Qua đó, nhằm định hướng người dân trồng, thâm canh cây cam theo quy trình, áp dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số, nhất là khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm.
Nhóm tiêu chí quan trọng của vườn cam Sành mẫu chính là xây dựng hệ thống giao thông nội vườn, hệ thống tưới; trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, thực hiện cắt tỉa, tạo tán; ứng dụng KHKT vào sản xuất thông qua việc trồng cây Lạc dại để tạo cảnh quan, cải tạo đất, giữ ẩm, chống xói mòn, chống rửa trôi dinh dưỡng; ứng dụng chuyển đổi số thông qua nhật ký điện tử, cập nhật quá trình trồng, chăm sóc cam, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và quảng bá hình ảnh cam Sành bằng ứng dụng internet, mạng xã hội... Theo đó, 4 hộ tham gia mô hình thường xuyên cập nhật nội dung công việc có liên quan đến sản xuất cam Sành trên phần mềm xác thực số do Công ty Cổ phần Công nghệ xác thực số cung cấp. Hiện, các hộ đã cập nhật 8/12 nội dung thông tin, gồm: Bón phân vụ Xuân, cắt tỉa cành, quét vôi thân cây, phun thuốc, trồng cỏ Lạc dại, bón thúc phân lần 2, phát cỏ xung quanh tán, điều tra sâu bệnh hại. Các nội dung còn lại tiếp tục được cập nhật khi cam Sành bước vào giai đoạn thu hoạch.
Hiến kế phát triển bền vững cam Sành
Trước thực tế 3 huyện trồng cam xuất hiện bệnh vàng lá, khô đầu cành với diện tích lên đến hàng nghìn ha, UBND huyện Bắc Quang đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo giải pháp về KHKT để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững cam Sành Hà Giang. Hội thảo có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học đến từ các trung tâm thuộc Viện Nghiên cứu Rau, quả T.Ư, Viện Khoa học nông nghiệp miền núi phía Bắc, Viện Di truyền nông nghiệp... Trên cơ sở đó, hiến kế phát triển bền vững cam Sành Hà Giang.
Theo Tiến sĩ Cao Văn Chí (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi): Để góp phần phát triển bền vững vùng cam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp KHKT về giống, kỹ thuật, quản lý sâu bệnh hại nguy hiểm, ứng dụng khoa học trong giai đoạn cận và sau thu hoạch. Trong đó, lựa chọn các cây cam đầu dòng, vườn cam ưu tú để phục vụ công tác nhân giống cây cam sạch bệnh. Áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng, tạo cây sạch bệnh nhằm hạn chế bệnh Greening và Tristeza trên cây cam. Đồng thời, khuyến khích, định hướng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, AseanGap, EuroGap bảo đảm chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch, an toàn để đưa sản phẩm cam Sành vào các siêu thị lớn trong nước và hướng tới xuất khẩu cam trong tương lai.
Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến cây cam Sành bị vàng lá, khô đầu cành, các nhà khoa học đưa ra quy trình chăm sóc mới thích ứng với biến đổi khí hậu cho cây cam Sành. Trong đó, áp dụng triệt để quy trình thâm canh cây cam, tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh hàng năm để làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, nhất là các vi sinh vật đối kháng. Đồng thời, chú trọng khâu: Thoát nước vườn cam sau các trận mưa, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cam, tưới vườn đủ ẩm trong những ngày nắng nóng kéo dài, phun thuốc trừ nấm bệnh, tưới phân kích rễ... Đặc biệt, những giải pháp này đang được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi áp dụng tại vườn cam mắc bệnh vàng lá, khô đầu cành của gia đình chị Lý Thị Điệp, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang).
Có thể khẳng định, những chủ trương lớn của cấp ủy, chính quyền tỉnh đi vào cuộc sống là tiền đề quan trọng để phát triển bền vững cây cam, đưa cam Sành trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh; đáp ứng việc liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025 duy trì ổn định diện tích cam Sành toàn tỉnh là 5.000 ha; đến năm 2030 cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với 100% diện tích cam Sành. Đặc biệt, tỉnh có cơ chế hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư, tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào đối với tổ chức, cá nhân đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm cam Sành...
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc