Kinh nghiệm làm giàu của chị Phạm Thị Sáu
BHG - Được mệnh danh là “thần nông” của thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, chị Phạm Thị Sáu đã cải tạo, xây dựng khu vườn bỏ hoang của gia đình thành nơi mang lại giá trị kinh tế cao.
Vườn cây sai trĩu quả của gia đình chị Phạm Thị Sáu. |
Sở hữu hơn 150 con lợn đen; 1.000 gà; 40 đôi chim Bồ câu Pháp; 4.000 m2 đất trồng rau và cây ăn quả… Các sản phẩm giúp gia đình chị cho thu nhập mỗi năm trên 600 triệu đồng. Chị Sáu chia sẻ: “2 vợ chồng khởi nghiệp từ 2 con lợn và thử nghiệm nhiều loại hình chăn nuôi từ trâu, bò, dê, cá…Với 25 năm đi theo nghề nông bản thân đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và lựa chọn tập trung vào chăn nuôi lợn đen, trồng rau và cây ăn quả; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong việc lựa chọn trồng theo hướng VietGAP, chăn nuôi giống bản địa. Qua đó, các sản phẩm của gia đình có đầu ra ổn định, ít dịch bệnh, tận thu được diện tích sẵn có”.
Cùng đến thăm mô hình của chị Phạm Thị Sáu, chị Chúng Hương Tý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ngọc Đường chia sẻ: “Mô hình chăn nuôi của chị Sáu rất hiệu quả. Vườn được quy hoạch rất khoa học với việc phân khu trồng, chăn nuôi kết hợp phương pháp, kỹ thuật hiện đại. Cụ thể: Khu vườn được chia làm 2 tầng, tầng dưới trồng các loại rau Bắp cải, Mồng tơi, Su hào… bên trên trồng bưởi, mướp, Su su. Đồng thời chị đầu tư hệ thống tưới nước tự động; xây dựng khu riêng biệt nuôi lợn với hệ thống máng ăn, xử lý nước thải... Qua đó chị đã tận dụng được tối đa diện tích, đồng thời giảm thiểu được sức lao động, tạo thu nhập cao”.
Chị Phạm Thị Sáu chăm sóc đàn lợn đen. |
Với khối lượng công việc khổng lồ, một ngày của 2 vợ chồng bắt đầu từ 2 giờ sáng và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Đầu tiên là cắt rau để kịp chuyển cho thương lái, sau đó nấu cám lợn và cho lợn, gà ăn; thời gian tiếp theo là làm vườn. Để thành công trong làm nông nghiệp, điều đầu tiên là phải chịu khó, bên cạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học thì phải tìm được phương pháp nuôi, hướng đi riêng, duy trì đầu ra và có sản phẩm thường xuyên. Đặc biệt được xem là “bí quyết” thành công của gia đình đó là xây dựng uy tín cho các sản phẩm - chị Sáu chia sẻ.
Hiện, chị Phạm Thị Sáu được xem là đại diện cho gương làm kinh tế giỏi của địa phương. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò và nhân rộng gương điển hình, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã triển khai một số giải pháp như: Tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng, phương pháp quản lý vốn của cán bộ Hội; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập câu lạc bộ khuyến nông, xây dựng mô hình sản xuất; tổ chức thăm quan các mô hình điển hình cách làm mới…
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc