Nông dân tiêu biểu vùng biên Nghĩa Thuận
BHG - Hưởng ứng phong trào hội viên nông dân cải tạo vườn tạp, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng ý trí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, anh Hà Văn Phúc, hội viên Hội Nông dân xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) đã thực hiện cải tạo vườn tạp kết hợp với chăn nuôi gia súc, trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương.
Vườn trồng cà chua của anh Hà Văn Phúc, thôn Pả Láng. |
Nhìn vườn cây xanh tốt được phân khu khoa học, hợp lý, ít ai nghĩ rằng vài năm trước đây là khu đồi hoang. Để có được sự thay đổi như vậy, chủ nhân của khu vườn, anh Hà Văn Phúc đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tư duy. Vừa khó khăn về nguồn vốn, lại sinh sống ở một xã biên giới điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên dù đã rất nỗ lực phát triển sản xuất nhưng anh Phúc vẫn chưa thành công. Không nản chí, năm 2019 khi Hội Nông dân xã triển khai phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, xây dựng vườn kiểu mẫu, anh Phúc đã gương mẫu hưởng ứng tích cực. Anh Phúc chia sẻ: “Sau vài năm đi lao động, tôi trở về nhà và quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, trăn trở không biết làm gì, sau khi học hỏi mô hình và kinh nghiệm chăn nuôi từ các nơi, tôi quyết định khởi nghiệp bằng việc trồng rau, chăn nuôi lợn, bò. Rất may mắn tôi được sự giúp đỡ từ gia đình, bà con và cán bộ xã nên mô hình của tôi đã phát triển hiệu quả và cho thu nhập”.
Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân và cán bộ nông nghiệp xã, anh Phúc đã tập trung cải tạo hơn 4.000 m2 đất đầu tư trồng 200 gốc Hồng không hạt và ổi xen với trồng rau, củ theo mùa. Từ những kiến thức được tập huấn về cải tạo vườn tạp, kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nên vườn cây của gia đình phát triển tốt và đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Diện tích cà chua của gia đình cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả/năm, mang lại thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Nhờ đó, anh Phúc có nguồn vốn để tiếp tục cải tạo 2.000 m2 đất để xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi bò và lợn. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo đúng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp cùng với kiến thức, kinh nghiệm đúc kết qua thực tế đã giúp anh Phúc triển khai mô hình chăn nuôi khá bài bản. Khu chuồng nuôi lợn và bò được chia tách riêng biệt với mỗi chuồng có diện tích lớn, nhỏ khác nhau và luôn được vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, anh Phúc thực hiện xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng cách bổ sung vi sinh trong quá trình ủ hoai phân chuồng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại giúp cải tạo đất tơi xốp, tăng cường hàm lượng dinh dưỡng, tận dụng được nguồn phân bón từ chăn nuôi nên giảm đáng kể chi phí trong sản xuất.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thuận, Mà Thải Phà cho biết: “Những năm gần đây, xã Nghĩa Thuận đã có nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế theo hướng tập trung và sản xuất hàng hóa, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, anh Hà Văn Phúc là hội viên nông dân có tính sáng tạo, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm và luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Biết nắm bắt tốt cơ hội, từ đôi bàn tay và sự cần cù, chịu khó cùng ý chí quyết tâm vươn lên, ở tuổi 36 anh Hà Văn Phúc đã có mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả, biến ước mơ vươn lên thoát nghèo trở thành hiện thực”.
Nguồn thu nhập của gia đình anh Phúc dù chưa thực sự lớn so với một số mô hình kinh tế khác, nhưng từ một hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo đã tự mình vượt khó vươn lên trên chính mảnh đất quê hương là điều đáng được biểu dương. Giờ đây, gia đình anh Phúc đã có thu nhập ổn định, mô hình kinh tế của anh góp phần nhân rộng phong trào nông dân làm kinh tế giỏi ở xã Nghĩa Thuận.
Bài, ảnh: VIỆT TÚ
Ý kiến bạn đọc