Gỡ khó cho các hợp tác xã phát triển bền vững
BHG - Tác động của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Các kênh tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, nhiều HTX phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng, dẫn đến thu nhập của các thành viên, người lao động bị giảm sút. Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho các HTX.
HTX Nông nghiệp và dịch vụ du lịch Tu Sản (Mèo Vạc) duy trì hoạt động, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 27 HTX mới thành lập, giải thể 10 HTX, 100% HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Hiện, toàn tỉnh có 769 HTX và 1.451 tổ hợp tác (THT). Trong 6 tháng đầu năm, có 680 thành viên mới gia nhập HTX; 153 thành viên ra khỏi HTX; tổng số thành viên HTX đến nay có 22.150 thành viên và có trên 21.180 thành viên THT. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX gần 8.500 người; thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm. Số lao động làm việc thường xuyên trong THT gần 22.000 người; doanh thu bình quân của một THT ước khoảng 18,6 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lò Thị Mỷ, cho biết: Hoạt động của các HTX tác động khá mạnh vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mặt khác, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán; nâng cao vai trò chủ thể trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các thành viên, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nên hiện nay đang xảy ra tình trạng số HTX đăng ký thành lập mới giảm, HTX tạm dừng hoạt động tăng; một số HTX nông nghiệp sản phẩm bị ngừng trệ, khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm do tư thương thu mua; việc cung cấp các sản phẩm thực phẩm ăn uống cho nhà hàng, bếp ăn trường học bị giảm do tạm ngừng hoạt động, dẫn đến doanh thu của nhiều HTX không ổn định. Nguyên nhân được xác định do phần lớn HTX có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đơn lẻ, chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh đa ngành nghề; chưa xây dựng chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh lâu dài nên khi ảnh hưởng của dịch bệnh, các HTX chỉ hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng kinh doanh.
Vấn đề mang tính cốt lõi đó là năng lực, chất lượng, trình độ cán bộ của các tổ chức KTTT còn hạn chế. Việc bố trí cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về KTTT ở các huyện, thành phố còn kiêm nhiệm; mạng lưới cấp xã chưa có cán bộ theo dõi nên việc quan tâm phát triển HTX ở các địa phương chưa được cải thiện. Trình độ, nghiệp vụ của một số Hội đồng quản trị HTX còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm; chưa năng động, sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành; chưa hình thành được mối liên kết giữa các thành viên trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) cho biết: Thực tế cán bộ quản lý HTX chỉ được đào tạo qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn; không ít thành viên vào HTX với tư tưởng để hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước; quyền lợi của HTX đem lại cho thành viên chưa nhiều, nên thành viên chưa gắn bó, phát huy trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng, phát triển HTX.
Qua tìm hiểu, một số chủ trương về KTTT, Luật HTX năm 2012 chưa được cụ thể bằng các chính sách của địa phương để HTX dễ tiếp cận như: Vay vốn ngân hàng; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Quan hệ tín dụng của KTTT với các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm tỷ lệ thấp cả về số lượng khách hàng và dư nợ, chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng phát triển HTX trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh ước đạt 70 tỷ đồng, với tổng số 20 HTX vay vốn; trong đó, dư nợ ngắn hạn trên 42 tỷ đồng, chiếm 60,1%; dư nợ trung và dài hạn gần 28 tỷ đồng, chiếm 39,9%.
Để gỡ khó cho hoạt động KTTT, tỉnh ta đang tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm toàn bộ các HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật HTX 2012. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và nâng cao năng lực nguồn nhân lực KTTT, HTX; nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng bản chất HTX, Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn. Tập trung đôn đốc, kiểm tra UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xử lý các HTX không hoạt động theo Luật HTX 2012. Triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về định hướng phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển HTX, THT kiểu mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
“Tỉnh đang tập trung hoàn thiện mô hình HTX thí điểm giai đoạn 1; hướng dẫn các HTX được lựa chọn mô hình thí điểm xây dựng kế hoạch thực hiện; xây dựng kế hoạch hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh; cân đối, bố trí vốn sự nghiệp từ ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh hàng năm cho các địa phương. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành cho cán bộ quản lý và điều hành HTX, cán bộ kiểm soát, kế toán HTX; nâng cao năng lực cho các cán bộ chuyên môn trong HTX” – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lò Thị Mỷ cho biết thêm.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc