Bắc Mê phát huy lợi thế nuôi thủy sản
BHG - Những năm gần đây, với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện cho người dân huyện Bắc Mê làm giàu từ lợi thế địa phương với việc phát triển kinh tế trên lòng hồ thủy điện, góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông thôn địa phương và giúp người dân giảm nghèo.
Mô hình nuôi cá Lăng chấm của HTX Trung Hiếu, xã Thượng Tân (Bắc Mê). |
Toàn huyện Bắc Mê hiện có 87 ha đất nuôi thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2022 sản lượng cá nuôi ước đạt 38,5 tấn, tăng 4,4 tấn; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 43,6 tấn, tăng 1 tấn so với cùng kỳ; phát triển mới được 59 lồng, đạt 168,6% so với kế hoạch, nâng tổng số lồng cá trên toàn huyện lên 216 lồng. Toàn huyện có 2 Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nuôi thủy sản trên lòng hồ là HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Trung Hiếu xã Thượng Tân; HTX thủy sản xã Yên Phong. Nhiều hộ triển khai nuôi cá thương phẩm, chất lượng cao, với mô hình thử nghiệm nuôi cá Lăng chấm tại 7 hộ với 800 con.
Diện tích đất canh tác ít với khoảng hơn 10 ha đất trồng lúa, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Nhằm tạo sinh kế cho nhân dân, tỉnh và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình nhằm kích cầu, hỗ trợ người dân, nổi bật như: Đầu tư xây dựng cầu treo qua sông Gâm và hỗ trợ phát triển chăn nuôi cá lồng. Đánh giá về sự thay đổi, đồng chí Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Tân cho biết: “Nhận thấy tiềm năng thủy sản rất lớn của địa phương, cùng kinh nghiệm lâu năm trên sông nước của người dân, xã đã tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăm sóc số lượng thủy sản hiện đang nuôi và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô phát triển nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện gắn với đánh bắt thủy sản tự nhiên theo hướng bền vững, nhất là phát triển các loại cá đặc hữu của địa phương; phối hợp với Trung tâm thủy sản tỉnh khảo sát địa điểm xây dựng mô hình nuôi cá Lăng chấm. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện được 15/20 lồng, đạt 75% so với kế hoạch. Từ bước đầu thuận lợi đó giúp người dân chuyển từ đánh bắt sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống vật chất cũng như hướng phát triển kinh tế của người dân”.
Đi đầu và thành công trong việc chăn nuôi cá lồng, anh Bàn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Trung Hiếu, xã Thượng Tân chia sẻ: “Hiện nay HTX có khoảng 32 lồng cá to và 200 lồng cá nhỏ, lượng cá chuẩn bị xuất bán là hơn 2 tấn. Qua việc chăn nuôi cá nhận thấy đây là một mặt hàng dễ tiêu thụ, chỉ cần đáp ứng theo đúng quy trình cá sẽ phát triển và cho thu nhập cao. Nhằm phát triển lợi thế và nhân rộng mô hình, bản thân đã liên kết với các hộ nuôi cá tại Lâm Bình, huyện Na Hang (Tuyên Quang) vừa để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như khu vực nuôi cá. Với việc kết hợp người dân trong việc phát triển nuôi cá lồng đã góp phần xây dựng thương hiệu cũng như tạo nguồn cung ứng liên tục cho thị trường. Bên cạnh đó, HTX phát triển thêm lĩnh vực kinh doanh dịch vụ với việc mua thuyền, mở các tua du lịch trên lòng hồ thủy điện sông Gâm…Từ đó, tạo nên nguồn thu nhập khá cho thành viên HTX và chia sẻ kinh nghiệm cho người dân địa phương”.
Tuy nhiên do lưu lượng nước trên sông Gâm không được ổn định, kinh phí đầu tư để làm lồng và mua giống cá khá cao, nên nhiều người dân còn e dè. Từ đó cần nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách nhằm kích cầu, mở cửa để người dân phát huy hết lợi thế của địa phương.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc