Phát triển bền vững cây cam Sành
BHG - Niên vụ 2021 – 2022, người trồng cam “trúng lớn” khi giá cam bình quân cao gấp 1,5 - 2 lần so với những năm trước. Đây là tín hiệu tích cực từ những định hướng, chính sách phát triển bền vững cây cam Sành của tỉnh.
Vườn cam Sành của gia đình anh Lê Văn Hà, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). |
Ngày 1.12.2020, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam Sành gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng nâng cao đời sống, thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu cam Sành. Từ nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển bền vững cây cam Sành và các kế hoạch triển khai; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58 với các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, vay vốn đầu tư, bảo tồn, nhân giống, cải tạo vườn, nâng cao chất lượng cam và chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
Bắc Quang là vựa cam lớn nhất tỉnh hiện nay với tổng diện tích cam Sành 3.085 ha; diện tích cho thu hoạch 2.821,3 ha; năng suất bình quân đạt 101 tạ/ha; tổng sản lượng trên 28.368 tấn. Thực hiện Nghị quyết 04 của BTV Tỉnh ủy, huyện đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền 252 buổi, cho trên 8.600 lượt người; mở 4 lớp tập huấn cho các hộ, HTX về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cam; toàn huyện có 112 hộ được giải ngân vay vốn theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh để cải tạo, nâng cấp vườn cam, tổng diện tích gần 160 ha; tổng nguồn vốn vay gần 10 tỷ đồng; trên 2,8 nghìn tấn cam được hỗ trợ cước vận chuyển tiêu thụ ngoài tỉnh, với kinh phí hỗ trợ 289,5 triệu đồng. Thu nhập của người trồng cam cao hơn gần 30 triệu đồng, tăng bình quân 1,5 - 2 lần so với trước khi được hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, các chính sách phát triển bền vững cây cam Sành của tỉnh đã góp phần xây dựng vùng sản xuất cam chủ lực của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ trồng cam…
Anh Phạm Quang Huyên, xã Vĩnh Hảo chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 18 ha cam Sành, trong đó có 12 ha đang cho thu hoạch. Năm 2021 gia đình tôi được vay 585 triệu theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh. Tôi đã dành toàn bộ số tiền này đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua máy móc, thiết bị chăm sóc cam, làm đường bê tông lên vườn cam phục vụ chăm sóc, thu hoạch và làm bể nước, hệ thống tưới cho toàn bộ diện tích cam. Do được đầu tư chăm sóc và thời tiết thuận lợi nên năng suất bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha, chất lượng quả đẹp, đồng đều. Giá bán cam tại vườn trung bình đạt từ 10.000 đồng/kg (đầu vụ) đến 40.000 đồng/kg (cuối vụ), cao gấp 3 lần so với những năm trước đem lại thu nhập khá cho gia đình. Tôi cho rằng những chính sách của tỉnh đang thực hiện để hỗ trợ người trồng cam là rất tốt và kịp thời, giúp các hộ có nguồn lực đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây cam.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 04, tỉnh đã bố trí trên 17,5 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH, hỗ trợ 141 hộ vay vốn cải tạo, nâng cao chất lượng trên 250 ha cam ở 3 huyện Bắc Quang (159,8 ha), Quang Bình (80 ha), Vị Xuyên (11,5 ha); hỗ trợ 320 triệu đồng thực hiện bảo tồn gen, nhân giống tốt và chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ cước vận chuyển cam bán ra ngoài tỉnh trên 3.000 tấn; tổ chức thẩm định hỗ trợ xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến cam tại Bắc Quang… Đặc biệt, Nghị quyết 04 ban hành khẳng định sự quan tâm đặc biệt của tỉnh với vị thế, thương hiệu, giá trị cây cam Sành. Đó là cơ sở tạo cho các địa phương trọng điểm trồng cam như Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên quan tâm, chỉ đạo, vận động doanh nghiệp, HTX và những người trồng cam nâng cao chất lượng canh tác, sản phẩm cam Sành. Các sở, ngành tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cam Sành. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị quả cam.
Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, với bình quân mỗi hộ được vay khoảng 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đã sử dụng 40 - 45 triệu đồng/ha mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công chăm sóc, cắt tỉa tạo tán, cải tạo đất, cao hơn 5-10 triệu đồng so với định xuất đầu tư trước đây; dành 15 – 20 triệu đồng/ha chỉnh trang lại vườn như làm đường giao thông nội đồng và mua sắm thiết bị, dụng cụ cắt tỉa, thu hái cam, đầu tư tem truy suất nguồn gốc và dự phòng cho vụ sau… Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy những vườn cam được vay vốn hỗ trợ nâng cao chất lượng có cây sinh trưởng phát triển tốt, khỏe, lá xanh đậm, mẫu mã quả đẹp, đồng đều, trọng lượng 4 quả/kg, cam Sành loại I chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, độ ngọt bình quân đạt trên 10,15 %; công tác vận chuyển, thu hái thuận lợi hơn, giảm tỷ lệ quả bị hỏng… Với chất lượng tốt hơn, hàng nghìn tấn cam Sành đã vào được các thị trường yêu cầu cao như siêu thị, chợ đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Qua đó, niên vụ 2021 – 2022, bình quân giá cam tại vườn dao động từ 10 – 20 nghìn đồng/kg hơn 1,5 - 2 lần so với những năm trước. Các nhà vườn cho thu nhập từ 85,5 – 110 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư lợi nhuận thu được đạt 30 – 50 triệu đồng/ha, cao hơn từ 21 – 24 triệu đồng/ha so với trước khi được hỗ trợ vay vốn, đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Vũ Văn Hiếu cho biết: Nghị quyết 04 nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, ngành và người trồng cam. Đến nay những chính sách phát triển bền vững cây cam Sành không chỉ phát huy hiệu quả về kinh tế mà còn là động lực cho các hộ chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao thu nhập từ trồng cam; góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế trên mảnh đất của gia đình... Tuy nhiên, trong hơn 1 năm triển khai, cũng còn một số hạn chế cần khắc phục, ngành chuyên môn đã rút ra 7 kinh nghiệm thực tiễn để tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc