Đưa thương hiệu sản phẩm du lịch vùng di sản Công viên Địa chất đến du khách
BHG - Hiện nay, toàn tỉnh có 52 đơn vị được công nhận là đối tác chính thức của Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Việc trở thành đối tác của CVĐC là cơ hội giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đẩy mạnh quảng bá, đưa thương hiệu sản phẩm du lịch trên vùng di sản đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Đồng bào dân tộc Dao thu hái hoa Kim ngân cho Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ). |
Vượt qua 2 năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất của Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nặm Đăm cũng như các hộ kinh doanh dịch vụ Homestay ở Làng Văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Có nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước chọn nơi đây là điểm dừng chân lý thú khi đến thăm Cao nguyên đá Đồng Văn. Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm cho biết: “HTX chuyên sản xuất các loại dược liệu cao Atiso, củ Dòm, thuốc ngâm chân, xoa bóp xương khớp, dầu gội đầu, nước tắm thảo dược. Có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như: Trà gừng, trà Kim ngân hoa, cao Atiso. Đây là những bài thuốc quý, cổ truyền của đồng bào dân tộc Dao từ xưa đến nay. Nhờ tuân thủ đầy đủ tiêu chí do mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO quy định, HTX là một trong những đối tác của CVĐC. Chúng tôi được hỗ trợ trưng bày, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại các trạm thông tin du khách và điểm du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn”.
Khách du lịch tham quan các sản phẩm OCOP tại Trạm thông tin du khách huyện Quản Bạ. Ảnh: MỘC LAN |
Hòa cùng cảnh đẹp Hà Giang, Plum Homestay Đồng Văn nằm hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ và không còn xa lạ với du khách. Sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch, lượng khách đến đây giữa tuần đạt 30%, cuối tuần đạt 70 - 80%. Việc tham gia và thực hiện cam kết của chương trình đối tác CVĐC đặt cơ sở vào vị trí, vai trò, trách nhiệm cao hơn. Vì vậy, Plum Homestay Đồng Văn đã sớm linh hoạt, chủ động sử dụng kênh phân phối bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống. Ngoài xây dựng các phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn, nhà hàng sạch sẽ, nhân viên được đào tạo bài bản, biết ngoại ngữ, cơ sở hướng đến kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp, có sự kết nối giữa các đơn vị để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao thương hiệu của mình - Anh Lại Văn Sơn, đại diện Plum Homestay Đồng Văn chia sẻ.
Thời gian qua, Ban quản lý CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã hỗ trợ tuyên truyền các đơn vị đối tác trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của các CVĐC trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch giữa các đối tác nhằm mở rộng mạng lưới hệ thống, đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Bên cạnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trên khu vực CVĐC có 26 đối tác là đơn vị sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tại các điểm du lịch, gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của địa phương được gắn logo đối tác của CVĐC và duy trì hệ thống bàn thử trà, mật ong, rượu. Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, làm phong phú chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại sẽ quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa những sản phẩm đặc trưng “từ làng ra phố”, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển du lịch, nông thôn bền vững.
Đồng chí Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban quản lý CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: “Ngành công nghiệp không khói đã và đang được tỉnh quan tâm và có nhiều chính sách khuyến khích phát triển mang tính lâu dài. Cùng với việc đánh giá định kỳ nội dung cam kết đối với các đơn vị đối tác theo tiêu chí của mạng lưới CVĐC, Ban quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên, lợi thế sẵn có của các địa phương, đặc biệt đối với 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc để kích cầu phát triển ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc