Đường Xuân về Sủng Chớ

15:00, 27/03/2022

BHG - Con đường bê tông từ thôn Chúng Trải đi Sủng Chớ, xã Sủng Cháng (Yên Minh) được người dân gọi vui là “đường Xuân”. Bởi nó không chỉ hoàn thành đúng dịp Tết Nguyên đán, mà còn là mong ước, niềm hi vọng, khởi đầu cho những đổi thay của bà con Sủng Chớ trong tương lai.

Người dân Sủng Chớ đổ bê tông đường.
Người dân Sủng Chớ đổ bê tông đường.

Sủng Cháng là xã vùng 3 và nằm trong số các địa phương khó khăn nhất của huyện Yên Minh với 671 hộ, 4.025 khẩu, nhưng có 547 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 81,5% (theo tiêu chí 2022). Trong đó Sủng Chớ là thôn khó khăn nhất của xã với 62/66 hộ là nghèo và cận nghèo, chiếm 93,94%, chỉ 4 hộ không nghèo. Đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn như: Chưa được đầu tư điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại, đường giao thông là đường đất, đá; diện tích đất sản xuất ít, kinh tế hoàn toàn dựa vào trồng ngô và chăn nuôi; 100% bà con là dân tộc Mông, tư duy phát triển kinh tế chậm, còn một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng lớn tới đời sống…

Thôn Sủng Chớ cách xa trung tâm xã khoảng 6 km và phải đi qua địa phận thôn Chúng Trải và Lù Cao Ván. Đến năm 2021 mới có gần 2 km từ khu trung tâm xã đến thôn Chúng Trải được đầu tư. Đoạn từ Chúng Trải đi Sủng Chớ dài hơn 4km chưa được đầu tư, hoàn toàn là đường đất đá, đèo dốc nên việc đi lại rất khó khăn. Thời tiết khô ráo có thể di chuyển bằng xe máy nhưng rất vất vả, mất nhiều thời gian; nếu trời mưa buộc phải đi bộ. Sản phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi của người dân muốn giao thương hàng hóa phải gùi hoặc vác xuống núi mới có thể bán. Giao thông khó khăn không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại, giao thương của người dân mà cả công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây cũng là trở ngại lớn nhất đối với thôn. Chủ tịch UBND xã Sủng Cháng Ngô Văn Nghĩa chia sẻ.

Không thuộc xã điểm xây dựng NTM, không nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM nên những năm qua nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM ở Sủng Cháng thấp. Đến nay xã mới đạt 12/19 tiêu chí NTM; 2 thôn khó khăn nhất là Sủng Chớ và Lù Cao Ván chưa có đường bê tông đến trung tâm. Xác định với nguồn lực đầu tư hạn chế như hiện nay, nếu trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chưa biết khi nào Sủng Chớ có đường bê tông. Do đó, cấp ủy, chính quyền xã quyết định kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa làm đường cho thôn. Từ kết nối, vận động của Báo Hà Giang, một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ 130 tấn xi măng và 30 triệu đồng làm đường bê tông đi thôn Sủng Chớ, với hi vọng người dân đi lại bằng xe máy, rút ngắn thời gian, khoảng cách, cơ giới hóa giao thương hàng hóa...

Cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, xã Sủng Cháng vận động nhân dân 3 thôn Chúng Trải, Lù Cao Ván và Sủng Chớ đóng góp kinh phí và công lao động; huy động cán bộ xã đóng góp được 26 triệu đồng chung sức cùng bà con làm đường. Sau gần 6 tháng thi công với rất nhiều khó khăn, tuyến đường dài 2,9 km từ thôn Chúng Trải đi Sủng Chớ đã hoàn thành. Đây là đoạn đường khó nhất đến Sủng Chớ bởi hoàn toàn là đường dốc, lởm chởm đá. Đoạn còn lại đang được xã tiếp tục vận động hỗ trợ thực hiện. Tổng kinh phí làm đường khoảng 485 triệu đồng. Riêng nhân dân các thôn đóng góp gần 1.500 ngày công và tiền tương đương gần 220 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Sủng Chớ Thàng Nhè Páo vui mừng chia sẻ: Cho đến nay bà con vẫn không nghĩ đã có đường bê tông đến thôn. Trước đây, đi đến trung tâm xã mất khoảng 1 tiếng, nay có đường bê tông chỉ còn 20 phút. Đi lại giờ đã thuận tiện, tôi sẽ bàn với bà con để tăng gia sản xuất, chăn nuôi và mời gọi thương lái về thu mua nông sản, tăng thu nhập và nâng cao đời sống hơn nữa.

Thấy rõ những khó khăn, hạn chế đối với sự phát triển kinh tế, đời sống của người dân Sủng Chớ, ngoài các chính sách quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Sủng Cháng đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa được 2 điểm trường, xóa nhiều nhà tạm cho hộ nghèo, triển khai thí điểm các mô hình phát triển kinh tế mới. Đặc biệt là tuyến đường bê tông mới hoàn thành, bởi giao thông là huyết mạch, động lực cho sự phát triển kinh tế, với hi vọng giúp giảm bớt khó khăn trong giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, trao đổi mua bán hàng hóa, giúp Sủng Chớ vươn lên trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp
BHG - Thời gian qua, nền nông nghiệp của huyện Quang Bình có nhiều khởi sắc, nhiều mô hình phát triển kinh tế được mở rộng, đem lại công việc ổn định, nâng cao đời sống người dân. Những thành tựu đạt được do sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc của cán bộ chuyên môn, tạo ra những sản phẩm chất lượng; xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp vững bền cho nông dân, HTX trên địa bàn.
27/03/2022
Tạo bứt phá từ nuôi lợn đen Lũng Pù
BHG - Lợn đen Lũng Pù – một giống lợn quý chỉ có ở Mèo Vạc. Giống lợn này được thuần hóa và nuôi dưỡng từ lâu đời, có sức đề kháng cao, chất lượng thịt thơm ngon. Đây cũng là giống lợn được Viện Chăn nuôi Quốc gia khẳng định cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác có hiệu quả cho cộng đồng. Với những thuận lợi này, huyện Mèo Vạc đã và đang tập trung phát triển nghề chăn nuôi lợn, qua đó góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện.
27/03/2022
Đánh thức hương chè Nậm An
BHG - Cây chè cổ thụ ở Nậm An ước đã có vài trăm năm tuổi. Người già trong bản Dao Nậm An nhớ đến đời cháu Triệu Chàn Vinh làm chè đã là đời thứ 8, thứ 9 gì đó, thế nhưng cây chè vẫn ra đầy búp, đầy lộc ở khắp trên các đồi, vườn và trong rừng nguyên sinh Phìn Hồ. Và cũng thật vui đến đời cháu Vinh làm chè, cháu nó mới đưa được lộc hái từ cây chè của bản trở thành một loại hàng hóa quý, được cả thế giới công nhận...
25/03/2022
Yên Minh linh hoạt cải tạo vườn tạp
BHG - Theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh và Đề án cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu cải tạo 6.500 vườn tạp, trong đó huyện Yên Minh cải tạo ít nhất 270 vườn (100 vườn của hộ nghèo, 170 vườn hộ cận nghèo). Với sự vào cuộc quyết liệt và cách làm linh hoạt, hết năm 2021 toàn huyện đã có 342 hộ CTVT.
24/03/2022