Phát huy vai trò "trụ cột" của ngành Tài chính
BHG - Nâng cao hiệu quả công tác quản lý quỹ, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN); đảm bảo an toàn tiền và tài sản nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động... Nhóm mục tiêu chiến lược này mang đến bước tiến vượt bậc để góp phần xây dựng Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả.
Cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động. |
Năm 2021, KBNN tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu và ngân hàng thương mại tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN. Điều tiết chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách, đảm bảo quản lý quỹ NSNN chặt chẽ, an toàn; góp phần phục vụ hiệu quả giải pháp chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội; song, KBNN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan khối Tài chính linh hoạt thực hiện giải pháp thu NSNN, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của ngành. Theo đó, thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 2.733,9 tỷ đồng, tăng 46,4% so với dự toán T.Ư giao và bằng 101,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 8% so với năm 2020.
Đặc biệt, KBNN tỉnh đã tăng cường kiểm soát các khoản chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định, nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo... Hơn nữa, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH, KBNN tỉnh ưu tiên giải ngân nhanh, kịp thời mua vật tư y tế, cho công tác phòng, chống dịch hay kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, đối chiếu số liệu định kỳ; hướng dẫn lập hồ sơ thanh toán gửi KBNN khi có khối lượng công việc hoàn thành để giải ngân kịp thời hoặc phối hợp giải quyết vướng mắc trong thanh toán vốn đầu tư...
Với quan điểm “Lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ”, KBNN tỉnh có nhiều cải cách mang tính đột phá để xây dựng “Kho bạc điện tử”. Một trong những đột phá quan trọng chính là triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng NSNN tham gia DVCTT. Hiện nay, 100% đơn vị sử dụng NSNN tham gia giao dịch với KBNN thông qua cổng DVCTT (trừ các đơn vị thuộc khối AN-QP). Nếu như thời điểm năm 2020, tỷ lệ chứng từ điện tử thanh toán thông qua DVCTT mới đạt 86,7% thì nay, tỷ lệ này đạt 99,76%. Theo đánh giá của nhiều đơn vị sử dụng NSNN: Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng DVCTT không chỉ giúp “dòng chảy” ngân sách thông suốt mà còn tạo nên sự công khai, minh bạch trong công tác kiểm soát chi cũng như tiết kiệm thời gian đi lại, giảm chi phí hành chính (in ấn, văn phòng phẩm) so với cách làm truyền thống...
Không dừng ở kết quả trên, ngày 1.7.2021, KBNN tỉnh thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn thành phố Hà Giang và triển khai mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh kể từ ngày 1.10.2021, theo quy trình nghiệp vụ thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với ngân hàng thương mại. Bước ngoặt này là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của hệ thống KBNN trên địa bàn tỉnh. Bởi, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã, đang góp phần minh bạch trong việc quản lý, sử dụng NSNN, giảm rủi ro trong thanh toán; đồng thời, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục thu NSNN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị khi thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào NSNN. Đi liền với đó, KBNN tỉnh còn tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị sử dụng NSNN triển khai cài đặt phần mềm cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN trên thiết bị di động, thông báo số dư dự toán; hiện số đơn vị sử dụng NSNN cài đặt phần mềm đạt 97%. Điều này nhằm đảm bảo cảnh báo sớm các rủi ro, giúp thủ trưởng đơn vị phát hiện, ngăn chặn kịp thời hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động KBNN...
Song song với các hoạt động trên, KBNN tỉnh còn siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường vai trò, trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản nhà nước giao KBNN quản lý. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành phù hợp với sự phát triển của CNTT và hiện đại hóa hoạt động KBNN. Trong đó, khai thác dữ liệu đã được số hóa từ chương trình DVCTT phục vụ công tác kiểm tra nội bộ; từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp sang kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử. Năm 2021, KBNN tỉnh tổ chức 20 cuộc kiểm tra định kỳ tại 12/12 đơn vị trực thuộc; thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của công chức, đơn vị để có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh công chức trong thực thi công vụ gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị sử dụng NSNN, chủ đầu tư...
Giám đốc KBNN tỉnh Nguyễn Chí Vương cho biết: Hiện nay, ngành đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển KBNN, giai đoạn 2021 – 2030 theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để đạt mục tiêu này, đơn vị xác định rõ 3 “trụ cột” chính, đó là: Tổ chức bộ máy theo mô hình KBNN khu vực; KBNN hai cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ KBNN. Trên cơ sở này, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hướng tới hình thành “Kho bạc số”, giữ vững vị thế là một trong những “trụ cột” quan trọng của ngành Tài chính nơi địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG