Mèo Vạc triển khai đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững
BHG - Mặc dù dịch bệnh trên người và vật nuôi có diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhờ triển khai đồng bộ hiệu quả các chính sách giảm nghèo, điều kiện sống của người nghèo trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã được cải thiện rõ rệt. Đến cuối năm 2021 trên địa bàn huyện có 1.038 hộ thoát nghèo; tỷ lệ giảm hộ nghèo trong năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 đạt tỷ lệ 6,01%, hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 còn 11.019 hộ, 60.152 khẩu, chiếm tỷ lệ 64,07%.
Chị Phàn Mẩy Sun, thôn Sủng Nhỉ B, Sủng Máng đầu tư chăn nuôi lợn đen. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường cho biết, huyện luôn xác định giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương; cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân như hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con, giống, tạo việc làm, hỗ trợ xây dựng nhà ở... Cùng với đó, huyện tranh thủ các nguồn vốn triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng Nông thôn mới; đặc biệt là Chương trình 30a, 135 của Chính phủ.
Sủng Máng được đánh giá là một trong những xã tập trung lãnh, chỉ đạo, vận động bà con khai thác thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đồng chí Nùng Thanh Sấn, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Máng cho biết: Toàn xã có tổng diện tích đất gieo trồng trên 850 ha, trong đó diện tích gieo trồng cây lương thực hàng năm 376 ha. Dựa vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng xóm, xã vận động người dân trồng các loại cây rau màu ngắn ngày; đẩy mạnh chăn nuôi bò hàng hóa, bò sinh sản, chăn nuôi lợn…. từng bước đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Cuối năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trong xã Sủng Máng đạt 23 triệu đồng.
Nhận thấy việc nuôi lợn đen bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Phàn Mẩy Sun, thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Máng đã chú trọng phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng chuồng trại kiên cố, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, lựa chọn con giống có chất lượng; phát triển giống lợn địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi. Chị Sun chia sẻ: Gia đình đầu tư hơn 75 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua hơn 30 con lợn đen bản địa về nuôi. Hiện nay, đàn lợn của gia đình đang phát triển tốt và sắp được xuất chuồng.
Đặc biệt, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về cải tạo vườn tạp, toàn huyện đã cải tạo 121 vườn, tổng diện tích 694.233 m2. Trong đó, thực hiện san gạt mặt bằng canh tác được trên 11.000 m2; trồng cây ăn quả được 6.550 m2; trồng cây rau, củ quả được trên 56.000 m2; phát triển chăn nuôi bò được 94 con; phát triển chăn nuôi ong được 20 đàn; phát triển chăn nuôi lợn được 233 con; chăn nuôi gia cầm được 2.623 con…
Trong năm qua, huyện tạo điều kiện cho 1.462 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng số tiền trên 70,7 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở được 284 hộ, tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng; tổ chức 12 lớp dạy nghề trên địa bàn cho 359 lao động; 100% học sinh con hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách miễn giảm học phí, trẻ Mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa; tiếp nhận và cấp phát 131 tấn gạo; cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trên 22 nghìn lượt hộ nghèo, trên 42 nghìn lượt thẻ dân tộc thiểu số…
Với cách làm cụ thể, huyện Mèo Vạc tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, phấn đấu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân.
Bài, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)