Tùng Cụm không trông chờ, ỷ lại
BHG - Nhiều năm trước, khi nói đến thôn Tùng Cụm, xã Nà Khương (Quang Bình) là không chỉ cán bộ, giáo viên mà ngay cả đồng bào sống ở thôn khác cũng ngại không muốn đến, bởi đường xá đi lại rất khó khăn, người dân sinh sống mỗi nhà một nơi và phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông, lâm nghiệp đơn thuần. Tuy nhiên, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là ý chí tự lực vượt khó vươn lên, đời sống của bà con trong thôn có nhiều chuyển biến đáng kể trong phong trào phát triển KT – XH, diện mạo thôn vùng cao ngày càng đổi mới.
Bí thư Chi bộ thôn Tùng Cụm Hầu Seo Tỏa (ngoài cùng bên trái) động viên gia đình Sùng Seo Sóa phát triển kinh tế. |
Cùng với Bí thư Chi bộ thôn vượt gần trục cây số mới đến thôn Tùng Cụm, chúng tôi khá bất ngờ về sự thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây. Bí thu Chi bộ Hầu Seo Tỏa cho biết: Toàn thôn có 43 hộ, đều là dân tộc Mông sinh sống và 100% thuộc hộ nghèo, cận nghèo (theo tiêu chí đa chiều). Những năm trước đây bà con nghèo khó lắm, chủ yếu trồng lúa, ngô và sắn, con em ít được đến trường, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là câu chuyện nan giải thường niên đối với thôn, xã... Đến nay, bà con đã biết trồng cỏ để chăn nuôi trâu, dê, lợn... trung bình nuôi từ 3 đến 6 con trâu có hơn 20 hộ, trên 6 con trâu trở lên có 4 hộ; không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống, tình trạng tảo hôn đã được hạn chế. Trước đây trung bình 1 năm có 5 cặp tảo hôn, nay chỉ còn 1 cặp.
Phát huy vai trò Bí thư Chi bộ thôn, anh Hầu Seo Tỏa luôn đi đầu trong phát triển kinh tế. |
Sau nhiều năm chờ đợi, đầu năm 2021, bà con thôn Tùng Cụm đã thống nhất cùng nhau hiến 3.000 m2 đất đóng góp gần 100 triệu đồng để mở đường sang xã giáp ranh của tỉnh Lào Cai, đến tháng 3 năm 2021 đã hoàn thiện tuyến đường, ô tô, xe máy đi lại thuận lợi. Qua đó, bà con tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: Trồng quế, xoan, keo trên đồi đất trống, cây nông sản như ngô, sắn công nghiệp do đã có đường ô tô đi lại nên không còn bị ép giá…
Dẫn chúng tôi vào gia đình mình, anh Hầu Seo Tỏa tâm sự: Xác định là đảng viên, người đứng đầu thôn thì phải đi đầu. Để có đường đi, gia đình tôi cũng hiến hơn 400 m2 đất và đóng góp phí giúp cho một số còn khó khăn. Không trông chờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chúng tôi vận động bà con cùng nhau cố gắng, việc dễ làm trước, khó làm sau, việc gì chúng ta có thể làm được thì chúng ta cố gắng làm cho tốt, không chờ cán bộ bảo mới làm, với tinh thần đó, sau quá trình vận động, thôn chúng tôi từng bước thay đổi từ nhận thức đến chất lượng cuộc sống.
Anh Sùng Seo Sóa, thôn Tùng Cụm, chia sẻ: Trước đây chúng tôi nghèo lắm, giờ đi chợ đường không còn xa, hàng hóa không bị ép giá, nhà nào cũng nuôi được lợn, trâu. Mỗi nhà đóng góp 1,5 triệu đồng để mở đường sang tỉnh bạn, chúng tôi rất vui, đặc biệt đối với những hộ khó khăn như gia đình tôi còn được các hộ đảng viên, hộ khá giả giúp đỡ, đến cuối vụ thu hoạch ngô bán có thu nhập chúng tôi đóng sau. giúp chúng tôi biết được tình làng nghĩa xóm và cùng nhau vươn lên vượt khó.
Thông qua đổi mới công tác tuyên truyền, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã đi vào lòng dân bằng những công việc thực tế có lợi ích cho dân, đem lại hiệu quả thiết thực về phát triển KT-XH. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nhận thức thay đổi đáng kể, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đến nay, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây đã thay đổi mạnh mẽ, không còn hộ đói, nhà tạm… Đường, điện, trường học, nhà văn hóa thôn cũng được xây dựng. Hy vọng với sự tự vươn lên của bà con sẽ càng ngày đổi mới để góp phần từng bước xóa nghèo, xây dựng bức tranh thôn Tùng Cụm xanh, đẹp, phát triển.
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc