Phụ nữ vùng cao thi đua phát triển kinh tế
BHG - Huyện Mèo Vạc có tỷ lệ dân số nữ chiếm hơn 50%. Đây cũng là lực lượng có nhiều đóng góp quan trọng trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương.
Nghề trồng chàm nhuộm vải mang lại nguồn thu ổn định cho chị Nùng Thị Lìn (trái), thôn Thăm Noong, xã Tát Ngà (Mèo Vạc). |
Tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, chị Cáng Thị Mỷ được biết đến là một trong những hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Chị Mỷ chia sẻ: Được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền thị trấn, đồng thời bản thân tự tìm hiểu, nghiên cứu qua mạng, sách báo, năm 2018, tôi đã đầu tư gia trại nuôi chim bồ cầu Pháp với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Chăn nuôi chim bồ câu Pháp không khó, chỉ cần chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh thì kết quả rất khả quan. Hiện nay, gia đình tôi đang duy trì nuôi 300 đôi chim bồ câu sinh sản và thương phẩm; 200 con gà thịt. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm 100 gốc Chanh đào, hiện đã cho thu hoạch. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, gia đình tôi còn mở thêm dịch vụ nhà nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách. Từ những hoạt động trên, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng.
Tương tự, tại thôn Há Chế, xã Tả Lủng, chị Thò Thị Già được nhiều chị em nể phục về tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế. Với nhiều nỗ lực, năm 2020, chị được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu”. Ngoài ra, chị còn được nhận nhiều Giấy khen của Hội LHPN tỉnh, huyện và UBND huyện Mèo Vạc về những đóng góp trong công tác Hội cũng như các phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương. Chia sẻ về kết quả đạt được, chị cho biết: Trước đây, đời sống vô cùng khó khăn. Song, những năm gần đây, nhận thấy gia đình có “duyên” với nghề nuôi bò vỗ béo hàng hóa, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm thức ăn cho bò. Hiện, gia đình tôi đang duy trì nuôi mỗi lứa từ 10 – 20 con bò hàng hóa, sau 3 – 6 tháng đã có thể xuất bán. Cứ như vậy, việc nuôi bò hàng hóa trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, trừ chi phí, mỗi năm tôi thu về trên 200 triệu đồng.
Tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, mô hình cải tạo vườn tạp của chị Lầu Thị Say cũng khiến không ít người khen ngợi. Chị Say chia sẻ: Trước đây, mảnh vườn của gia đình trồng nhiều cây tạp, năng suất không cao; việc bố trí chuồng trại chăn nuôi chưa khoa học, hợp lý… Tuy nhiên, được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ xã trong việc thực hiện Đề án Cải tạo vườn tạp của UBND tỉnh, đầu năm 2021, tôi quyết định chuyển đổi gần 1.000 m2 đất vườn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng Táo đỏ. Nhờ chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên vườn Táo đỏ sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó, tôi cũng quy hoạch, xây dựng lại khu vực chuồng trại chăn nuôi bò, lợn khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Mèo Vạc, Hầu Thị Phương: 3 điển hình trên chỉ là số ít trong tổng số hơn 16 nghìn hội viên phụ nữ của huyện. Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nhất là đặc thù của huyện vùng cao núi đá nhưng phong trào thi đua phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn có sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực. Các chị em khắc phục mọi khó khăn, tích cực học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, mở rộng diện tích trồng cỏ gắn với chăn nuôi, đưa cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào làm kinh tế giỏi, trở thành nhân tố tích cực để các cấp Hội nhân rộng. Đặc biệt, cùng với thi đua trong lao động sản xuất, nữ doanh nghiệp và nữ tiểu thương tiếp tục có bước phát triển mới về số lượng và chất lượng, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động cũng như tăng nguồn thu ngân sách cho huyện.
Ý kiến bạn đọc