Ngành Nông nghiệp vững vàng vượt khó
BHG - Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong và ngoài nước đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh ta, như việc xuất khẩu sản phẩm chè, Thảo quả, cùng với việc tiêu thụ sản phẩm cây có múi. Không chỉ vậy, ngành Nông nghiệp còn phải “gồng mình” chống chọi với những dịch bệnh như dịch cúm gia cầm H5N6; bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò; dịch Tả lợn châu Phi chưa được khống chế dứt điểm. Song với sự cố gắng nỗ lực, sự chủ động phối hợp với giữa các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các huyện, thành phố trong chỉ đạo, hoàn thành các chương trình, đề án, định hướng lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Nông dân xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang thu hoạch lúa Mùa. |
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp khá thuận lợi và được mùa. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt gần 177.200 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 421.000 tấn, tăng 6.504 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích lúa cả năm ước đạt 37.615,5 ha, tăng 94 ha; năng suất ước đạt 58,3tạ/ha; sản lượng ước đạt 219.250 tấn. Cây ngô ước đạt 54.596 ha; sản lượng ước đạt 201.574,9 tấn. Cây đậu tương diện tích gieo trồng cả năm ước đạt 13.600 ha; năng suất bình quân ước đạt 15,58 tạ/ha; sản lượng 21.184 tấn. Cây lạc trồng 9.530 ha, tăng 10 ha so với năm 2020; sản lượng ước đạt 24.875 tấn, tăng 1.695 tấn. Diện tích rau các loại toàn tỉnh ước đạt 18.797 ha, tăng 791 ha so với năm 2020...
Đã chuyển đổi 127,54 ha đất ruộng không chủ động được nguồn nước sang cây trồng khác. Đồng thời triển khai thực hiện chương trình cánh đồng mẫu theo phương pháp “5 cùng” trên cây trồng chính gồm lúa, ngô, lạc tại các huyện, thành phố, với tổng diện tích thực hiện là 3.330 ha.
Trước tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục, Tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời thành lập các đoàn công tác triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố; phân công cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương hỗ trợ công tác chống dịch tại cơ sở. Kịp thời cung ứng 27.250 lít hóa chất cho các huyện, thành phố triển khai tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; cung ứng 230.565 liều vắc xin cho các địa phương tiêm phòng khẩn cấp, bao vây ổ dịch. Nhờ triển khai các giải pháp quyết liệt, bước đầu đã được khống chế, ngăn chặn không để dịch lan rộng.
Thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, đến nay có 1.137 hộ/11 huyện, thành phố thực hiện cải tạo vườn tạp; Chương trình OCOP năm 2021 có 193 sản phẩm được phân hạng và công nhận đạt sao OCOP/87 chủ thể tham gia...
Tuy nhiên, hiện tại ngành Nông nghiệp đang đối diện với không ít khó khăn cần vượt qua bởi tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường; dịch bệnh trên đàn gia súc chưa được khống chế triệt để; giá vật tư đầu vào sản xuất tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và thu nhập của người dân; ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp hạn chế do các chương trình mục tiêu Quốc gia hết giai đoạn đầu tư...
Đồng chí Hoàng Hải Lý, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết: Ngành Nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhân dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích cây trồng vụ Mùa; chuẩn bị đất, cơ cấu giống vụ Đông theo kế hoạch của UBND tỉnh, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng vụ Đông 2021 đạt 11.557 ha. Quyết liệt triển khai thực hiện 2 Nghị quyết của tỉnh về cải tạo vườn tạp và phát triển cam Sành với phương châm không nóng vội, không thành tích, phải đem lại hiệu quả thực sự cho người dân; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp khống chế dứt điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, không để dịch bệnh lây ra diện rộng...
Bài ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc