Hồ Thầu, vùng chè đặc sản

17:53, 22/10/2021

BHG - Hồ Thầu là một trong những địa danh nổi bật của huyện Hoàng Su Phì, với điểm nhấn đỉnh cao Chiêu Lầu Thi và văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao đỏ sinh sống từ lâu đời. Hồ Thầu còn là vùng chè đặc biệt của Hà Giang với diện tích chè Shan tuyết cổ thụ lớn và có chất lượng cao, đây cũng là nơi đầu tiên của Hà Giang phát hiện ra 2 dòng chè rừng có giá trị cao là chè Móng rồng và chè Bạch tiên. Đỉnh Chiêu Lầu Thi nhuốm màu huyền thoại quanh năm mây phủ đã tạo cho chè Shan tuyết và chè rừng mang hương vị riêng. 

Những cây chè sinh trưởng ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển của xã Hồ Thầu.
Những cây chè sinh trưởng ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển của xã Hồ Thầu.

Lần đầu tiên tôi đến Hồ Thầu, điểm dừng chân trước khi chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi là quán nước ở ngã 3 thôn Tân Phong, nơi có giới thiệu các sản phẩm chè của HTX chè Hồ Thầu. Nhấp một ngụm trà bà chủ quán pha, hương thơm đặc biệt của chè Shan tuyết cổ thụ khiến mọi mệt mỏi sau hành trình hơn 100 km tan đi. Trên kệ gỗ trưng bày là ống đựng trà làm từ cây tre rất bắt mắt, tôi cầm thử và mở nắp ra, bên trong là những búp măng trà có hình thù kỳ lạ, tỏa ra mùi thơm dịu nhưng bền của một thứ trà khác lạ. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chè Móng rồng, thứ chè mà sau này khiến chúng tôi phải chờ đợi mỗi mùa Đông để được thưởng thức hương vị của nó.

Sản phẩm chè Móng rồng có hương vị đặc biệt trên đỉnh cao Chiêu Lầu Thi.
Sản phẩm chè Móng rồng có hương vị đặc biệt trên đỉnh cao Chiêu Lầu Thi.

Hồ Thầu có 524 ha chè Shan tuyết, trong đó 410 ha đang cho thu hoạch, sản lượng búp tươi 1.564,2 tấn. Là vùng nguyên liệu sạch với những đồi chè cổ thụ mọc tự nhiên không bón phân, phun thuốc; 95 ha chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Organic châu Âu. Cây chè là một trong 3 loại cây cùng lúa, Thảo quả mang đến nguồn thu nhập chủ lực của bà con người Dao dưới đỉnh núi huyền thoại. Từ khi chè Móng rồng, Bạch tiên được phát hiện và dần trở thành hai dòng chè rừng được ưa chuộng trên thị trường, bà con nơi đây có thêm nguồn thu lớn từ hai loại chè độc đáo này. Những búp chè thơm ngọt dịu vị mây, gió trong lành đã khiến Hồ Thầu thêm hấp dẫn với người sành chè và du khách.

Đồng chí Phượng Chàn Nu, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: Xác định được cây chè Shan tuyết và các dòng chè rừng là “báu vật” mang lại nguồn thu nhập lâu dài cho bà con nên UBND xã đã xây dựng các phương án bảo vệ và khai thác bền vững nhất. Xã thành lập tổ bảo vệ rừng kết hợp quản lý thu hái chè rừng với lực lượng dân quân làm nòng cốt. Chè rừng chủ yếu có ở 4 thôn: Chiến Thắng, Tân Minh, Tân Phong, Quang Vinh, để quản lý tốt, tổ thường xuyên cùng với nhân dân bảo vệ, quản lý. Hàng năm có lịch thu hái cụ thể từng vụ, không để người dân hái tự do bằng phương pháp chặt đốn cây. Tổ bảo vệ chè rừng cùng nhân dân thu hái hàng năm được trích lợi nhuận10%; có trách nhiệm hướng dẫn người dân thu hái đúng quy cách, bảo vệ, tuần tra thường xuyên không để nhân dân chặt phá cây chè quý. Bằng những biện pháp quản lý chặt chẽ gắn với tuyên truyền cho bà con thấy được lợi ích lâu dài từ cây chè rừng đã góp phần bảo tồn và khai thác một cách hiệu quả. Hiện nay chè rừng có giá trị thành phẩm cao hơn rất nhiều so với chè thường, dao động từ 2 – 4 triệu đồng/kg. Thu hái đúng, bảo tồn được số lượng chè rừng là giữ được nguồn thu nhập ổn định của người dân nơi đây. Chè Móng rồng, Bạch tiên phân bố ở 2 đỉnh núi cao nhất Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh ở độ cao từ 1.500 m so với mực nước biển. Cây chè sinh trưởng chậm, hấp thụ tinh hoa thổ nhưỡng và khí hậu vùng núi cao cho chất lượng khác biệt. Sự đa dạng về sản phẩm chè giúp Hồ Thầu trở thành một vùng nguyên liệu hấp dẫn đối với người làm chè và sành chè khắp trong và ngoài nước. 

Bảo tồn, khai thác chè Shan tuyết và chè rừng gắn với phát triển du lịch là hướng đi mà Hồ Thầu đang thực hiện và bước đầu thu lại hiệu quả. Cùng sức hút của ruộng bậc thang, nơi săn mây lý tưởng nhất Hà Giang đỉnh cao 2.402 m Chiêu Lầu Thi thì chè Shan tuyết và chè rừng là những món quà ý nghĩa nhất mà du khách mang về khi tới với Hồ Thầu. 

Bài, ảnh: Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tín dụng chính sách - điểm tựa cho đồng bào biên cương cực Bắc

BHG - Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) được thành lập ngày 4.10.2002, Chi nhánh tại Hà Giang thành lập ngày 14.1.2003. Từ 132,1 tỷ đồng dư nợ ban đầu, sau gần 20 năm, tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đến tháng 9.2021 đạt 3.579,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 3.569,6 tỷ đồng/85.579 khách hàng, tăng trên 3.478 tỷ đồng so với năm 2003, với 17 chương trình tín dụng chính sách được triển khai. Doanh số cho vay 2003 - 2021 đạt trên 9.600 tỷ đồng với trên 483.000 lượt hộ được vay vốn.

21/10/2021
Phụ nữ vùng cao thi đua phát triển kinh tế

BHG - Huyện Mèo Vạc có tỷ lệ dân số nữ chiếm hơn 50%. Đây cũng là lực lượng có nhiều đóng góp quan trọng trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương.

20/10/2021
Thêm một khu trưng bày, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng địa phương dự kiến được khai trương vào tháng 11 tới đây

BHG - Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến Công thương, Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Vị Xuyên có buổi khảo sát, làm việc với HTX Thuận Hòa (Vị Xuyên) về tiến độ triển khai Khu dịch vụ trưng bày, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại xã Thuận Hòa, Vị Xuyên. Đây được coi là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch khi ghé thăm Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

20/10/2021
Cục Hải quan phấn đấu số thu thuế xuất, nhập khẩu cao nhất trong năm

BHG - Trong thời gian qua, Cục Hải quan tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nghiệp vụ; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý hải quan, giải quyết thủ tục, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) nhanh chóng, đúng các quy định của pháp luật và công tác phòng, chống dịch.

19/10/2021