Đổi thay ở Tả Ván
BHG - Trở lại thôn Tả Ván, xã Xín Chải (Vị Xuyên) sau hơn 3 năm, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay đáng kể của mảnh đất nhiều gian khó ngày nào. Những ngôi nhà kiên cố mọc lên, đường bê tông nối dài đến tận nhánh hộ, những mô hình kinh tế hiệu quả ngày càng được nhân rộng, người dân hăng hái thi đua phát triển kinh tế… Tất cả tạo nên diện mạo mới cho Tả Ván.
Hộ ông Triệu Quang Minh, thôn Tả Ván thực hiện cải tạo vườn tạp. |
Xín Chải là xã vùng cao, biên giới của huyện Vị Xuyên với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những khó khăn về điều kiện địa hình, khí hậu, đường giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển KT – XH của địa phương. Thôn Tả Ván cũng không tránh khỏi khó khăn chung của xã. Ông Đặng Văn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Tả Ván cho biết: Do địa hình chia cắt, chủ yếu là núi cao, vực sâu, dân cư phân bố rải rác, đường giao thông đi lại rất khó khăn, đặc biệt với các nhánh hộ sinh sống ở sườn núi. Vài năm trở lại đây, dưới sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nguồn xi măng được hỗ trợ, các hộ dân trong thôn đóng góp cát, sỏi, và ngày công để bê tông hóa các tuyến đường nội thôn. Đến nay, bà con đã bê tông hóa được trên 4 km các trục đường nhánh hộ, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều.
Thôn Tả Ván hiện có 98 hộ, 468 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, thôn có khí hậu mát mẻ quanh năm, là điều kiện thuận lợi để Tả Ván phát triển cây mũi nhọn là chè Shan tuyết và Thảo quả. Với hương vị ngọt hậu đan xen cùng màu nước xanh, vàng sánh đã tạo nên hương vị đặc trưng cho sản phẩm chè Tả Ván, Xín Chải. Các hộ dân trong thôn đều trồng chè Shan tuyết, hộ ít thì vài trăm mét vuông, hộ nhiều thì hơn 1 ha. Dưới sự tuyên truyền, hướng dẫn của xã, người dân đã thay đổi tập quán sản xuất, tích cực chăm sóc, thu hái, bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật nên giá trị kinh tế từ cây chè tăng đáng kể. Bình quân 1 ha chè thu được từ 60 – 80 triệu đồng/năm.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Nhùn, thôn Tả Ván, là hộ kinh doanh duy nhất trên địa bàn xã xây dựng được sản phẩm chè OCOP 3 sao. Anh Nhùn chia sẻ: Chè Shan tuyết là cây trồng gắn bó bao đời nay với người Dao Xín Chải. Chè thơm ngon đặc trưng nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Trăn trở với điều đó, tôi mạnh dạn vận động một số hộ cùng sở thích thành lập HTX chuyên thu mua, chế biến chè. Gia đình tôi cũng đầu tư dây chuyền chế biến sâu sản phẩm chè. Năm 2020, sản phẩm Chè chốt Xín Chải gói 200g và 500g của gia đình được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là niềm vui của gia đình, cũng là niềm vui chung của người dân trong thôn, xã vì sản phẩm chè Shan tuyết địa phương từng bước xây dựng được thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chè.
Thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, thôn Tả Ván có 2 hộ đăng ký thực hiện. Đến nay, các hộ đang tích cực triển khai với tổng diện tích trên 1.000 m2. Anh Đặng Văn Lòng, một trong 2 hộ thực hiện cho biết: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi với quy mô nhỏ, chỉ vài con trong chuồng. Vườn quanh nhà chủ yếu bỏ hoang để làm bãi chăn thả. Nắm được các nội dung của Đề án cải tạo vườn tạp, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký thực hiện. Khu vườn được rào chắn, bố trí, quy hoạch lại hợp lý với từng khu vực chăn nuôi, trồng rau, trồng cây ăn quả. Gia đình đã tiến hành trồng mận và Hồng không hạt, xây chuồng nuôi lợn đen với quy mô từ 50 con trở lên và trồng các loại rau xanh theo mùa. Hiện, các giống cây trồng, vật nuôi đều sinh trưởng và phát triển tốt. Nhiều hộ khác trong thôn thấy cách làm hiệu quả cũng mạnh dạn cải tạo, chỉnh trang lại khuôn viên vườn của gia đình, thay thế các loại cây lương thực truyền thống bằng các giống cây ăn quả phù hợp với khí hậu, đầu tư mua thêm con giống mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo nên phong trào cải tạo vườn tạp rộng khắp trong thôn.
Chủ tịch UBND xã Xín Chải, Lý Văn Thắng cho biết: Những năm qua, Tả Ván luôn là thôn đi đầu trong phát triển kinh tế và các phong trào thi đua của xã. Với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Trồng, chế biến chè, Thảo quả; nuôi cá Tầm thương phẩm; chăn nuôi gia súc; cải tạo vườn tạp… những năm gần đây, đời sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT – XH chung của toàn xã.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc