Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đi đầu phát triển kinh tế
BHG - Được cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Xín Mần giới thiệu, chúng tôi tìm đến xã Trung Thịnh thăm mô hình chăn nuôi và cải tạo vườn tạp hiệu quả của chị Tải Thị Bóng trên mảnh đất còn nhiều khó khăn.
Chị Tải Thị Bóng (trái) giới thiệu mô hình nuôi giun quế của gia đình. |
Xã Trung Thịnh là một trong những xã còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu đựa vào ruộng 1 vụ và chăn nuôi nhỏ lẻ.Chị em ở đây chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các kiến thức làm kinh tế mới, chưa mạnh dạn thay đổi lối canh tác, gieo trồng, chăn nuôi cây, con mới dù đất canh tác còn nhiều. Là cán bộ Hội Phụ nữ xã Trung Thịnh, chị Tải Thị Bóng được đánh giá nhiệt tình trong công tác; chịu khó, ham học hỏi và mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển kinh tế gia đình. Được tiếp xúc, tham quan các mô hình hay trong và ngoài huyện, chị Bóng đã mạnh dạn áp dụng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa.
Hiện, gia đình chị nuôi 5 con trâu vỗ béo, nuôi lợn bản địa, trong đó có 3 con lợn nái sinh sản cung cấp giống cho bà con, đây không chỉ là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi, cuối năm 2019, chị bàn với chồng làm chuồng, ngăn ô để nuôi thêm giun quế vừa giúp đảm bảo vệ sinh vừa tạo nguồn phân hữu cơ tự nhiên phục vụ sản xuất an toàn. Chị Bóng cho biết, thu nhập của gia đình năm vừa rồi ước khoảng 70 triệu đồng từ bán đàn trâu nuôi vỗ béo, bán lợn giống và bán giun quế. Nhận thấy diện tích đất ruộng chỉ làm một vụ rồi bỏ không quá lãng phí, chị Bóng quyết định cày xới và trồng thử Dưa hấu trên đất Trung Thịnh. Với kỹ thuật học hỏi từ sách báo, truyền hình và tham khảo thực tế, vườn Dưa hấu trên 200 m² của gia đình được lên luống, rải bạt đúng kỹ thuật đã cho quả to và ngọt, qua đó nâng cao giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Năm nay, gia đình chị tăng diện tích trồng Dưa hấu lên 0,5 ha trên các mảnh ruộng của gia đình.
Từ mô hình của chị Bóng đã lan rộng thành phong trào cho các chị em phụ nữ khác trong xã học tập, nhiều người đã chuyển đổi cây trồng năng suất thấp, chuyển đổi đất hoang hóa thành đất trồng cây có hiệu quả kinh tế, trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi trâu, dê mang lại hiệu quả. Điển hình như chị Tải Thị Pả, thôn Ta Thượng đã chuyển đổi phần đất hoang sang trồng cỏ nuôi dê vỗ béo, hiện tại gia đình chị có 60 con dê.
Với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Thịnh và tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Tải Thị Bóng sẽ là nguồn cảm hứng, động lực để phụ nữ nghèo thay đổi tư duy, bắt tay vào phát triển kinh tế để giảm nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN
Ý kiến bạn đọc