Hỗ trợ đối tượng yếu thế cải tạo vườn tạp
BHG - Nghị quyết 05-NQ/TU (NQ) của Tỉnh ủy về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025” là NQ đầy tính nhân văn, trong đó, quan điểm chỉ đạo là các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến thôn phải vào cuộc phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp để tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Cán bộ xã Quyết Tiến (Quản Bạ) kiểm tra vườn trồng mận của hộ chị Thượng Thị Thoa, thôn Nậm Lương. |
Với phương châm “Không bỏ lại ai phía sau”, tỉnh rất quan tâm đến việc tạo sinh kế bền vững cho các hộ nghèo, cận nghèo để đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Trong đó, trước mắt là giải quyết cái nghèo về đời sống vật chất, bên cạnh những hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm, thiện nguyện... Chính quyền các địa phương cũng trăn trở suy nghĩ giúp bà con có “cần câu”, có việc làm và thu nhập ổn định. Chính vì vậy, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế cần được quan tâm đầu tiên trong khi thực hiện NQ 05. Với quan điểm “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, NQ đã dự báo được trước tình hình các địa phương có thể chủ quan, nóng vội trong khi thực hiện. Để làm được việc này là cả một quá trình lâu dài, có thể mất vài năm để người dân dần thay đổi nhận thức và nhận ra rằng họ có thể làm giàu trên mảnh vườn của mình.
Nhờ có NQ 05, một số hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế được chính quyền cơ sở hỗ trợ về cây, con giống, công lao động và các nguồn vốn ưu đãi để cải tạo tạp. Hộ chị Thượng Thị Thoa, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) là một trong những hộ yếu thế cần được hỗ trợ. Chồng chị Thoa là anh Ngũ Chính An, dân tộc Bố Y, bị bệnh bại lão cách đây 2 năm, hiện tại anh nằm liệt trên giường và không lao động được. Một mình chị Thoa phải chăm sóc chồng và nuôi 2 con nhỏ, gánh nặng của gia đình đè nặng lên đôi vai chị. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, chính quyền địa phương đã vận động cán bộ đến giúp đỡ cải tạo vườn tạp.
Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Nguyễn Văn Tuân, cho biết: “Xã huy động cán bộ đến giúp đỡ ngày công lao động để cải tạo lại vườn cho hộ chị Thượng Thị Thoa, vận động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ cây, con, giống cho gia đình phát triển chăn nuôi, trồng trọt như: Đoàn xã hỗ trợ 26 cây Hồng không hạt, 8 cây mận; Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 con gà...”. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo thêm nguồn động lực cho gia đình phát triển kinh tế hộ.
Tương tự, hộ anh Lù Sèn Khón, dân tộc Nùng, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) cũng là một trong những hộ nghèo được hưởng lợi từ Chương trình cải tạo vườn tạp. Anh được vay vốn ưu đãi theo NQ 58 của HĐND tỉnh với số tiền 30 triệu đồng/30 tháng không lãi suất, anh đã sử dụng vào việc sửa lại chuồng trại chăn nuôi trâu và mua thêm con giống. Bên cạnh đó, anh Khón tận dụng diện tích đất vườn của gia đình trồng 20 cây ổi, mận, mía, trồng rau theo mùa. Anh Khón chia sẻ: “Nhà tôi là hộ di dời do bị ảnh hưởng thiên tai, cách đây 3 năm gia đình tôi mới xây dựng nhà ở tại thôn này. Ban đầu gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và bà con xung quanh nên cuộc sống đã dần ổn định. Được cán bộ xã đến giúp đỡ cải tạo vườn tạp, gia đình tôi rất vui và đang cố gắng thực hiện thật tốt để mô hình đem lại hiệu quả cao. Tôi thấy Chương trình cải tạo vườn tạp là một chủ trương đúng đắn, trước đây tôi trồng ngô, lúa cần mẫn quanh năm mà không đủ ăn, bây giờ nhà tôi chỉ trồng mía trên diện tích nhỏ mà đã cho thu nhập gấp 5 lần trước đây”.
Đến nay trên toàn tỉnh đã có 545 hộ nghèo và 592 hộ cận nghèo được hỗ trợ cải tạo vườn tạp. Đối với họ sự giúp đỡ này là cần thiết và vô cùng ý nghĩa khi nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các vườn cải tạo chủ yếu tập trung vào những loại cây trồng ngắn ngày với phương châm lấy ngắn nuôi dài đan xen trồng cây ăn quả, rau đậu các loại, dược liệu, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, cá... với tổng diện tích vườn đã được cải tạo là 744.574 m2. 900 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn theo NQ 58 của HĐND tỉnh với số tiền trên 26,4 tỷ đồng. Xã hội hóa trong cải tạo vườn tạp, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, cận nghèo trên 1,1 tỷ đồng, 11.500 cây giống và 15.600 ngày công lao động.
Những mảnh vườn nhỏ đang vươn lên xanh tốt, các khu vườn đều được quy hoạch gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tiêu chí “nhà sạch, vườn đẹp” trong xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, một số vườn cho sản phẩm như rau, đậu các loại, gà, cá... Trên gương mặt bà con đều ánh lên niềm vui khi NQ 05 mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, tin rằng kinh tế vườn hộ sẽ ngày càng phát triển và nhân rộng hơn nữa để đem lại đời sống khá giả cho người dân.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc