Điểm sáng phát triển kinh tế Tam Sơn
BHG - Quản Bạ là huyện cửa ngõ của Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi tập trung phát triển đa lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là thị trấn Tam Sơn là trung tâm chính trị, VH – XH, với dân cư đông, phát triển đa ngành nghề từ tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đến thương mại – dịch vụ (TMDV), tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thị trấn Tam Sơn ngày càng phát triển. |
Thị trấn Tam Sơn là nơi sinh sống của người Mông, Dao, Tày, Giấy, Kinh cùng chung sống đoàn kết, tạo nên thể thống nhất; phát triển nhiều ngành nghề từ thủ công, mỹ nghệ truyền thống cho đến TMDV. Hiện, có 595 hộ kinh doanh, nhiều cơ sở đầu tư quy mô lớn, đáp ứng thị trường trong và ngoài huyện. TTCN từ lâu được biết đến là hướng đi mang lại sự ổn định, giải quyết lượng lớn việc làm cho người lao động. Nhiều gia đình đẩy mạnh phát triển công xưởng, với máy móc hiện đại, giúp giảm lao động thủ công, nâng cao năng suất. Tiêu biểu, cơ sở Nhân Lệnh, tổ 4, chuyên sản xuất gia công cửa nhôm kính, được thành lập từ năm 2010, đã tạo dựng được uy tín. Hiện, cơ sở có 6 công nhân đến từ thị trấn và các xã lân cận, đều được tham gia đóng Bảo hiểm xã hội đầy đủ, với mức lương từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng. Đại diện cơ sở Nhân lệnh chia sẻ: Cơ sở đầu tư máy móc hiện đại, từ máy cắt 2 đầu nhôm 80 triệu đồng/cái, bình hơi 10 triệu đồng/cái, đến những máy hàn điện, hàn inox, máy cắt thép… giúp tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao. Thời gian tới, sẽ mở thêm các chi nhánh ở các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Cơ sở sản xuất gia công cửa nhôm kính Nhân Lệnh, tổ 4 đầu tư hệ thống máy hiện đại. |
TMDV từ lâu vẫn được biết đến là 1 trong những thế mạnh của thị trấn Tam Sơn, nơi đây tập trung phát triển các cửa hàng tạp hóa, quần áo, điện thoại, máy tính, điện máy, xe máy, máy nông cụ… Các dịch vụ phát triển đa lĩnh vực như: Cắt tóc, gội đầu, spa, tour du lịch tham quan các làng văn hóa truyền thống… Trong đó, nổi bật là cửa hàng tạp hóa Tuấn Hằng, tổ 3, chuyên bán các loại bánh kẹo, nước giải khát, đồ sơ sinh, đồ gia dụng, văn phòng phẩm... Hiện, cửa hàng có 4 nhân viên, mức lương mỗi người từ 7 – 9 triệu đồng/tháng. Trong mùa dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, cửa hàng thường xuyên cập nhật các mặt hàng mới trên facebook, giúp khách hàng lựa chọn dễ dàng các sản phẩm và được nhân viên giao đến tận nhà; khách hàng luôn được kiểm tra các mặt hàng trước khi thanh toán tiền, đảm bảo hài lòng khách mua, tạo uy tín cho cửa hàng.
Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn, Nhữ Thị Nga cho biết: Đẩy mạnh phát triển TTCN và TMDV luôn là yếu tố then chốt giúp phát triển KT – XH của địa phương. Với phương châm phát triển cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh, nâng cao thu nhập cho nhân dân là hướng đi thiết thực; khi cuộc sống của người dân được nâng cao, giúp bộ mặt thị trấn ngày một khởi sắc.
Bài, ảnh: THÁI KHANG
Ý kiến bạn đọc