Bảo tồn và phát triển chè Shan tuyết
BHG - Hà Giang được xác định là tỉnh có vùng chè Shan tuyết chất lượng, diện tích lớn nhất cả nước, được phân bố rộng khắc các vùng miền của tỉnh – đây là nguồn thu nhập của hàng chục nghìn hộ dân. Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong sản xuất, chế biến chè hữu cơ, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của loại sản phẩm đặc sản này.
Chè Shan tuyết cổ thụ xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên được cấp Chứng nhận cây Di sản. |
“Vàng xanh” nơi cực Bắc
Tỉnh ta có gần 21 nghìn ha chè, trong đó hơn 70% diện tích là chè Shan tuyết cổ thụ. Ðây là mỏ “vàng xanh” của núi rừng bởi chè Shan tuyết sinh sống trên núi cao, môi trường đất, nước, không khí trong lành. Từ bản chất chè Shan tuyết là sạch, đó là sự khác biệt đối với các vùng chè trong nước nên Hà Giang xác định hướng đi bền vững cho cây chè là phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ.
Để hình thành chuỗi giá trị chè, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đối với cây chè với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cấp Giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn ha. Hình thành mối liên kết giữa gần 10 nghìn hộ trồng chè riêng lẻ với 40 cơ sở sản xuất chè VietGAP, 23 doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) chế biến để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và chế biến chè hữu cơ. Tỉnh được công nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang” cho gần 17 nghìn ha chè. Đẩy mạnh áp dụng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong các cơ sở sơ chế biến chè, nhất là đối với cơ sở có liên kết xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ. Đến nay, đã xây dựng, cấp chứng nhận HACCP, ISO cho 14 cơ sở.
Đóng gói sản phẩm chè tại Hoàng Su Phì. |
Một trong những yếu tố quan trọng để sản xuất chè theo hướng hữu cơ đó là tỉnh đã phân định được diện tích của từng vùng chè cụ thể. Từ đó định hướng vùng nguyên liệu cho các DN, HTX liên kết với người dân sản xuất chè hữu cơ. Gắn với đó là ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân, DN, HTX đổi mới công nghệ, thay đổi tập quán sản xuất để sản xuất chè sạch. Cụ thể, có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân để thâm canh vườn chè VietGAP hoặc hữu cơ; hỗ trợ 100% lãi suất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến.
HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) thành lập từ năm 2008. Ban đầu chủ yếu chế biến chè tươi thành chè Xanh theo phương pháp truyền thống, mỗi năm sản xuất được khoảng 5 tấn chè khô. Năm 2017, nhờ có sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang, cộng với nguồn vốn tự có, HTX đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và đổi mới toàn bộ dây chuyền sản xuất, nâng công suất chế biến 15 tấn chè búp tươi/ngày. Chị Nguyễn Thị Minh Trang, cán bộ HTX Chế biến chè Phìn Hồ cho biết, với dây truyền công nghệ hiện đại, HTX đã đa dạng các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Hiện nay, chúng tôi đã có vùng nguyên liệu hơn 300 ha chè được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Đây là điều kiện quan trọng để HTX bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất chè sạch. Bên cạnh đó, HTX quan tâm đến công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thường xuyên đưa sản phẩm tham gia các hội trợ thương mại chè trong nước, quốc tế, tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Bình quân mỗi năm HTX tiêu thụ từ 50 đến 70 tấn chè thành phẩm, trong đó có 30% xuất khẩu, doanh thu của HTX tăng từ 500 triệu đồng năm đầu thành lập lên 10 - 15 tỷ trong những năm gần đây.
Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 10 DN, HTX có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Sản phẩm xuất khẩu đều là chè hữu cơ. Sản lượng chè búp tươi theo tiêu chuẩn GAP năm 2020 đạt hơn 48 nghìn tấn, giá trị đạt hơn 580 tỷ đồng; sản lượng chè hữu cơ hơn 21 nghìn tấn, giá bán bình quân từ 20 đến 300 nghìn đồng/kg tùy từng loại. Giá trị sản phẩm chè búp tươi được chứng nhận GAP bình quân đạt khoảng 55 đến 70 triệu đồng/ha.
Cần bảo tồn, khai thác và quảng bá thương hiệu
Dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong sản xuất, chế biến chè hữu cơ, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Do diện tích chè ở nhiều vùng, nhiều dân tộc nên tập quán sản xuất, văn hóa khác nhau dẫn đến sự quan tâm của người dân đến cây chè chưa đồng đều. Nhiều vùng chè Shan tuyết có tiềm năng nhưng chưa được khai thác triệt để. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các DN, HTX với người trồng chè chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giá chè lên xuống bấp bênh, đầu ra không ổn định và gây khó khăn cho chính những DN, HTX.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản cho biết, chè Shan tuyết Hà Giang có sự khác biệt với tất cả các vùng chè trong nước, đó là sạch. Điều đó thu hút được sự quan tâm của nhiều DN chế biến chè trong nước. Tuy nhiên, đến nay số lượng DN, HTX đầu tư chế biến chè vẫn còn hạn chế, chưa xứng tầm mà nguyên nhân chính là những e ngại về hệ thống đường giao thông kết nối còn hạn chế. Công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm được các cơ sở chế biến quan tâm nhưng mới chỉ tập trung ở một số DN lớn. Nhiều cơ sở sản xuất chưa thực sự chú trọng trong việc đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, dẫn đến sản phẩm đơn điệu.
Đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, ngành Nông nghiệp tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách để người dân và các cơ sở chế biến tiếp cận với nguồn vốn để xây dựng và duy trì vùng nguyên liệu sạch, đổi mới công nghệ chế biến, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại. Ngay trong đầu năm 2021, ngành tham mưu cho tỉnh tổ chức Lễ hội chè và làm hồ sơ công nhận thêm 1.300 cây chè Shan tuyết cổ thụ là cây di sản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chính sách thu hút các DN đầu tư vào chế biến chè quy mô lớn.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc