Vị Xuyên bảo vệ "đầu cơ nghiệp"
BHG - Dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức khỏe, sự phát triển ổn định của đàn vật nuôi và thu nhập của người chăn nuôi. Để bảo vệ “đầu cơ nghiệp” cho người dân, huyện Vị Xuyên triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, khống chế, dập dịch hiệu quả.
Đàn trâu của gia đình ông Nguyễn Văn Tiền, thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức đã được tiêm vắc xin VDNC và phát triển khỏe mạnh. |
Ngày 10.5, xã Kim Thạch phát hiện 1 con bò mắc bệnh VDNC; ngày 31.5, xã Thuận Hòa tiếp tục phát hiện 3 con bò của người dân mắc bệnh. Ngay lập tức, công tác khoanh vùng, dập dịch được huyện Vị Xuyên triển khai mạnh mẽ. Tất cả trâu, bò trong vùng dịch, vùng nguy cơ cao của 2 xã được ưu tiên tiêm vắc xin, điều trị gia súc mắc bệnh bằng các loại kháng sinh chống nhiễm trùng kế phát, tiêm trợ sức, trợ lực, truyền tĩnh mạch đối với gia súc yếu, sốt cao. Việc phun hóa chất khử khuẩn, diệt muỗi, ve, mòng (các tác nhân truyền bệnh) tại các ổ dịch, vùng nguy cơ cao được thực hiện nghiêm túc; công tác tiêm phòng vắc xin được đẩy nhanh tiến độ. Tại các xã chưa xuất hiện dịch, tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò; chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi mắc bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; thường xuyên tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc; lãnh đạo các xã, thị trấn chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra dịch bệnh nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch... Nhờ vậy, các ổ dịch được khống chế, dịch bệnh không lây lan diện rộng. Từ ngày 2.6 đến nay, không phát sinh trâu, bò mắc bệnh VDNC.
Toàn huyện có 7.602 con trâu, bò được tiêm phòng vắc xin VDNC, đạt 23,3%/tổng đàn trâu, bò; gần 100% số trâu, bò vùng nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh được tiêm phòng. Tại xã Kim Thạch và Thuận Hòa, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn trâu, bò đạt trên 81%. Một số xã như: Phú Linh, Xín Chải, thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên tỷ lệ tiêm phòng VDNC cho đàn trâu bò đều đạt trên 50%. Bên cạnh đó, huyện Vị Xuyên đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và ủ phân vi sinh. Trong 7 tháng đầu năm, đã thực hiện thụ tinh nhân tạo được 170 con trâu, bò; thực hiện tiêm phòng bệnh Tụ huyết trùng được 8.860 liều/8.930; đẩy mạnh triển khai chương trình bảo hiểm trâu, bò với tổng số 4.211 con được phê duyệt, trong đó có 1.952 con đã bấm thẻ tai.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tiền, thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức có 4 con trâu. Với người nông dân như ông Tiền, đó là cả gia tài. Ông Tiền chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi trâu từ bao đời nay; từ trước đến giờ chưa thấy có bệnh VDNC. Qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông và tuyên truyền của cán bộ thôn, tôi được biết đây là bệnh nguy hiểm, trâu có thể bị chết nếu mắc triệu chứng nặng. Tôi đã đăng ký và tiêm phòng cho đàn trâu của gia đình; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử khuẩn, diệt muỗi, ve, mòng, tăng cường thức ăn, đảm bảo tăng sức đề kháng cho đàn trâu khỏe mạnh”. Xã Đạo Đức hiện có 665 con trâu, bò. Việc phòng, chống dịch trên đàn gia súc luôn được xã triển khai quyết liệt. Đến nay, trên 50% số trâu, bò của xã được tiêm vắc xin và phấn đấu tiêm hoàn thành toàn bộ số trâu, bò trong tháng 8, hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh lên đàn vật nuôi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Lê Thanh Hải cho biết: “ Xác định chăn nuôi là một trong những hướng phát triển kinh tế bền vững, những năm qua, huyện Vị Xuyên tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi hàng hóa, hình thành một số trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh VDNC trên đàn trâu, bò được huyện thực hiện rất quyết liệt; các ổ dịch được phát hiện kịp thời, khoanh vùng, khống chế nhanh chóng, không lây lan diện rộng. Đến nay, huyện Vị Xuyên cơ bản khống chế được dịch bệnh VDNC và đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin VDNC đảm bảo theo kế hoạch, đây là khâu then chốt để bảo vệ đàn vật nuôi”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN