Nông nghiệp bền vững ở Yên Định
BHG - Phát triển nông nghiệp từ lâu vẫn là hướng đi vững bền, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Bắc Mê, nhiều xã đã phát triển cây trồng mới, sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, giúp hình thành vùng sản xuất đa lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là xã Yên Định nhờ tận dụng lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tạo công việc ổn định, đem lại thu nhập cao cho người dân, tạo đà phát triển kinh tế của địa phương.
Cán bộ xã kiểm tra sự phát triển của cây ngô Sinh khối. |
Yên Định là xã cửa ngõ của huyện Bắc Mê, người dân nơi đây luôn đẩy mạnh phát triển kinh tế, đa dạng hóa những vùng chuyên canh nông nghiệp vững bền. Ngô Sinh khối là 1 trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, trồng nhiều ở các thôn: Bản Loan, Bắc Bìu. Nà Yến… Với diện tích 10 ha, được trồng nơi có diện tích ruộng không chủ động nguồn nước, bãi đất nhiều sỏi. Trồng ngô Sinh khối sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực của thời tiết, thuận lợi cho bố trí thời vụ; tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhân công. Giống ngô Sinh khối đang trồng là NK 7328 do Trạm Khuyến nông huyện cung cấp giống, được nhà nước hỗ trợ 50% tiền giống, phân bón, nhân dân đối ứng 50%. Xã đã liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng sản phẩm với Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Hương Hà (tỉnh Tuyên Quang), với giá thu mua tại nơi thu hoạch 700 đồng/kg. Anh Mã Thanh Chiến, thôn Bản Loan chia sẻ: Gia đình tôi đã tận dụng những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng ngô Sinh khối với diện tích 2.000 m², thời gian sinh trưởng nhanh, ít phải chăm sóc, cây kháng sâu bệnh tốt... dự kiến sẽ thu hoạch với năng suất cao gấp 1,5 lần so với trồng ngô lấy hạt, lại không phải bảo quản sau thu hoạch; đầu ra của sản phẩm được xã ký kết hợp đồng bao tiêu nên tôi và các gia đình khác yên tâm sản xuất.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Yên Định đạt nhiều kết quả khả quan; cùng với đẩy mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương, nhiều hộ đã cùng nhau góp vốn mua máy gặt đập liên hoàn, giảm thiểu nhân công trong quá trình thu hoạch lúa, tạo điều kiện giải phóng nhanh diện tích đất trồng lúa. Hiện nay toàn xã có 5 máy, giá giao động từ 300 – 600 triệu/cái, tùy từng công suất, thương hiệu. Anh Nông Văn Sơn, thôn Bắc Bìu tâm sự: Tôi và 1 số gia đình trong thôn mạnh dạn góp vốn mua máy gặt đập liên hoàn giúp nông dân thu hoạch lúa nhanh chóng; 1 ha lúa thu hoạch chỉ mất thời gian từ 20 – 30 phút; máy đạt năng suất 200 bao thóc/ngày, tiền công 30.000 đồng/bao, trừ các chi phí cũng đem lại 5 – 6 triệu đồng/ngày…
Chủ tịch UBND xã Yên Định, Nguyễn Đức Thủy cho biết: Xã luôn tạo điều kiện giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; nhiều người dân tại địa phương đã tiên phong đi trước, áp dụng những máy móc vào sản xuất, giúp người dân khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác. Xã thường xuyên mở các lớp nâng cao kiến thức về nông nghiệp cho nông dân; cử cán bộ chuyên môn về nông nghiệp xuống thực địa hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân mở rộng thêm diện tích những cây trồng thế mạnh của địa phương, giúp hình thành nền nông nghiệp vững bền, mang lại hiệu quả kinh tế.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tự tin áp dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất giúp Yên Định trở thành điểm sáng của huyện Bắc Mê về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH