Lý Hội Rèn "người gác cổng rừng thiêng"
BHG - Trong chuyến công tác tại huyện Đồng Văn những ngày đầu tháng 7, tôi nhận được lời mời của lãnh đạo huyện về chuyến đi kiểm tra khu vực rừng đầu nguồn tại thị trấn Phố Bảng. Chuyến đi đó đã khiến tôi thêm khâm phục những người đang ngày đêm thầm lặng gìn giữ để giữ màu xanh sự sống, bảo vệ nguồn nước. Có thể thấy, trong cuộc chiến giữ rừng, ngoài lực lượng kiểm lâm còn có sự tham gia tích cực của những người dân. Trong số họ, ông Lý Hội Rèn, 76 tuổi, sống tại thị trấn Phố Bảng là người đã dành nửa cuộc đời bảo vệ nguồn nước cho bà con các dân tộc nơi đây.
Quen thuộc địa hình, ông Lý Hội Rèn dẫn đầu cho đoàn kiểm tra rừng. |
Sáng sớm, khi đoàn công tác tới trụ sở UBND thị trấn Phố Bảng, cùng với lãnh đạo thị trấn chờ chúng tôi, có một người vô cùng đặc biệt: Đầu đội mũ cối, tay cầm gậy, lưng đeo ba lô, chân đi giầy ba ta, ống quần buộc chặt cổ chân, đúng chất “chúa rừng” chính hiệu, đã tạo ấn tượng mạnh với tôi. Theo lời giới thiệu, được biết, ông chính là Lý Hội Rèn, 76 tuổi, là thành viên mẫn cán nhất của Tổ bảo vệ rừng thị trấn Phố Bảng. Dưới sự sắp xếp của ông Rèn, sau khi thống nhất, phân chia hành lý, kèm những lời dặn dò cẩn thận, đoàn chúng tôi gồm 14 người bắt đầu xuất phát.
Ông Rèn là người dẫn đầu đoàn, băng băng vượt dốc, vừa đi vừa không quên dặn dò, động viên các thành viên. Theo chân ông, chúng tôi bắt đầu chuyến tuần tra khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 300 ha, nằm trên địa phận 2 xã Phố Cáo, Phố Là và thị trấn Phố Bảng. Được biết, tại đây, hầu như không có các loại gỗ quý hiếm, chỉ có những thảm thực vật nguyên sinh. Tuy nhiên, nguồn nước lại vô cùng dồi dào. Theo lời đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, nguyên là Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Bảng: Quãng thời gian 10 năm về trước là đoạn ký ức buồn đối với người dân 4 xã vùng cao: Phố Bảng, Phố Là, Sủng Là, Phố Cáo do người dân thường xuyên chặt phá rừng lấy củi, đào các gốc cây Đỗ quyên để bán,.. gây ảnh hưởng tới nguồn nước, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước trầm trọng. Khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai rộng khắp tại nhiều xã vùng cao, những nhóm quản lý, bảo vệ rừng đã được thành lập. Đây chính là sự kết nối, chung tay giữ rừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Ban đầu, chính quyền thị trấn giao rừng cho lực lượng dân quân, cựu chiến binh trong xã; tuy nhiên hiệu quả không cao. Đến năm 2011, Tổ bảo vệ rừng được thành lập, ông Lý Hội Rèn cùng với 3 người trong thị trấn đã tham gia và hoạt động đến bây giờ. Trong đó, ông Rèn là người lớn tuổi nhất, cũng là người đi nhiều nhất.
Được biết, trước đó, khi chưa tham gia chính thức vào Tổ bảo vệ rừng, ông Rèn đã đồng hành với cấp ủy, chính quyền trong việc vận động nhân dân ngừng chặt phá rừng. Trong những cuộc tuần tra, ông cùng các lực lượng chức năng không chỉ tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nạn chặt, phá rừng mà còn gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân ý thức chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, vận động bà con tích cực phát hiện, cùng tham gia tố giác các đối tượng khai thác lâm sản trái phép. “Mỗi khi đi tuyên truyền, tôi nhắc nhở bà con, chặt rừng thì không có nước dùng, ngắn gọn thế nhưng bà con hiểu được vấn đề nên vô cùng đồng lòng” - ông Rèn chia sẻ. Đến nay, nguồn nước được giữ gìn đã đủ phục vụ cho 4 xã, thị trấn: Phố Bảng, Phố Là, Sủng Là, Phố Cáo vào mùa khô. Người dân thị trấn Phố Bảng vẫn gọi ông bằng cái tên trìu mến “người gác cổng rừng thiêng”, lực lượng kiểm lâm thì “biết ơn” ông, coi ông như cánh tay phải đắc lực. “Trên hết là trách nhiệm với chính cuộc sống của bản thân, của con cháu trong tương lai. Người dân ở đây trân quý rừng, nguồn nước như chính cuộc sống của mình vậy, nhưng họ chưa hiểu hết, nên mình phải hướng dẫn họ. Nếu không có rừng, không có nước thì bà con biết sống sao.” Trong ánh mắt, lời nói của ông Rèn toát lên sự chất phác, xen lẫn với sự kiên quyết của một người có trách nhiệm với công việc, với rừng.
Rừng được bảo vệ, nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân luôn đảm bảo. |
Suốt chuyến đi, có những đoạn dốc đứng, không có đường mòn, chúng tôi phải bám vào cành cây, lần theo vết chân ông Rèn để đi. Buổi tối hôm trước trời mưa, làm cho hành trình càng trở nên vất vả. Cả đoàn chủ yếu là thanh niên đang sức trẻ, nhưng không một ai theo kịp được ông Rèn. Thấy tôi là thành viên nữ duy nhất trong đoàn, hiểu tâm lý, ông động viên: “Rừng này hơi khó đi, trơn trượt, nhưng không có vắt đâu cháu ạ”!
Sau gần 1 ngày đi, đoàn chúng tôi đã trở về. Suốt chặng đường rừng, có người ngã, bị thương, máu lẫn mồ hôi; nhưng trên gương mặt mệt mỏi được lấp đầy bởi nụ cười và sự khâm phục. Ở nơi cao, xa như vậy, cho dù là những người dân bản địa như ông Rèn, dày dặn kinh nghiệm, nhưng không một ai dám chắc có thể tránh hết mọi hiểm họa. Để giữ màu xanh của rừng, giữ lấy nguồn nước quý là biết bao dấu chân thầm lặng. Trong đó, đối với ông Rèn, ở tuổi 76, ông vẫn mang trong tâm một nguyện vọng lớn lao, là còn khỏe ngày nào vẫn sẽ đi ngày đó. Đi - về, rồi lại đi, những chuyến tuần tra rừng vẫn cứ nối tiếp như dòng nước nguồn chảy trong lòng núi.
Kết thúc hành trình, xuống núi, ngước lên phía rừng xanh, chúng tôi biết rằng ở đó vẫn luôn có sự hiện diện của lực lượng chức năng, của một bộ phận dân bản địa, những người như ông Rèn. Họ vẫn đang ngày đêm bám rừng, bám núi, thực hiện lời căn dặn của Bác “phải bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng”, giữ lại màu xanh, sự sống cho mảnh đất biên cương còn nhiều gian khó này.
Bài, ảnh: MY LY