Bằng Hành chăn nuôi theo hướng hàng hóa

14:08, 11/08/2021

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bằng Hành nhiệm kỳ 2020 – 2025, đặt mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi tập trung hàng hoá chất lượng cao. Lấy chăn nuôi tập trung thành hướng đi để tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Anh Lù Văn Phúc, thôn Thác nuôi Đà Điểu mang lại nguồn thu ổn định.
Anh Lù Văn Phúc, thôn Thác nuôi Đà Điểu mang lại nguồn thu ổn định.

Ngay sau Đại hội, Bằng Hành tiến hành rà soát lại toàn bộ tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn; tiến hành, đánh giá lại thực trạng sản xuất, chăn nuôi tại mỗi thôn, bản. Từ đó, xây dựng kế hoạch phát triển các mô hình kinh tế nhằm cơ cấu lại sản xuất. Sau hơn nửa năm thực hiện, Bằng Hành đã xây dựng và cơ cấu lại một số mô hình sản xuất tập trung. Chủ tịch UBND xã Bằng Hành, Ngọc Văn Bảo cho biết: Nổi trội trong cơ cấu lại sản xuất là mô hình chăn nuôi trang trại của gia đình anh Lù Văn Phúc, thôn Thác. Trang trại xây dựng trên diện tích khoảng 1 ha, có quy mô chuồng trại khá hoàn chỉnh. Hiện tại, trang trại đang nuôi 10 con trâu, trên 30 con Đà Điểu, 50 con lợn rừng và khoảng 450 con gia cầm, thủy cầm. Anh Lù Văn Phúc, chủ trang trại cho hay, ngoài lợn rừng, Đà Điểu, anh còn mạnh dạn đưa vào nuôi thêm giống ngan Pháp, gà Tây để đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Chăn nuôi tập trung, nhưng phải đa dạng hóa vật nuôi mới đảm bảo thu nhập. Ngoài chăn nuôi gia súc, anh Phúc còn xây dựng một hệ thống ao liên hoàn để nuôi cá. Để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong trang trại, anh Phúc vừa đầu tư chăn nuôi, vừa lặn lội về các trung tâm đô thị lớn để ký hợp đồng, đưa sản phẩm làm ra tới tận bàn ăn. Mới đây nhất, anh Phúc đã xuất bán liền lúc gần 30 con Đà Điểu cho chuỗi nhà hàng đặc sản tại Hà Nội. Anh Phúc cho biết: Phải chăn nuôi theo chuỗi có liên kết cung cấp thực phẩm đến tận bàn ăn mới đảm bảo có lợi nhuận và tránh được tình trạng được mùa – mất giá.

Chọn một con duy nhất là con trâu để nuôi vỗ béo là cách làm của anh Mai Trọng Tám, thôn Linh. Khi tôi đến thăm, dãy chuồng nuôi của anh Tám chỉ còn 25 con trâu. Anh Tám cho biết: Người Tày mình bây giờ phải học cách làm của đồng bào Mông vùng cao: Nuôi bò “trên lưng”. Có nghĩa, chăn trâu thì phải trồng cỏ. Để nuôi vỗ béo được 65 – 70 con trâu/năm, anh Tám đã tận dụng đất đai quanh nhà trồng cỏ, chuối. Cắt cỏ, chặt chuối đưa vào máy băm, thái trộn thêm cám gạo mua tại cơ sở xay sát lúa làm thức ăn vỗ béo. Mỗi lứa, anh Tám mua trâu về nuôi vỗ béo từ 15 – 20 con trong khoảng thời gian 3 tháng. Nuôi vỗ béo trâu để bán trâu thịt đã mang về cho anh Tám tiền lãi mỗi năm khoảng 150 triệu đồng. Xây chuồng, trồng cỏ, mua trâu về nuôi vỗ béo để bán trâu thịt cũng là một cách làm hay, dễ làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông. Bởi lẽ, hiện tại thịt trâu, thịt bò vẫn là những mặt hàng thực phẩm cao cấp có nguồn cung còn rất hạn chế trên thị trường tiêu dùng hiện nay. 

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng thịt trâu làm thực phẩm còn lớn, bà Trần Thị Duyên, thôn Trung Tâm đã đứng ra vận động 8 hộ trong thôn liên kết lại thành lập HTX chăn nuôi trâu, bò. Chị Duyên cho biết: Nhu cầu tiêu dùng thịt trâu, bò càng lớn, thì việc chuyển đổi sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi vỗ béo bán làm thực phẩm càng có nhiều cơ hội để phát triển. Từ nhận định trên, các hộ trong HTX bàn bạc chuyển mỗi gia đình một phần diện tích đất trồng cây hàng năm sang trồng hàng chục ha cỏ làm thức ăn. Tận dụng triệt để những khoảng đất trống quanh nhà trồng chuối hột, chuối lá vừa lấy quả, vừa lấy thân băm, ủ trộn thêm bột ngô, bột sắn, cám gạo cho trâu ăn thêm. Các thành viên HTX cùng nhau góp vốn xây chuồng trại, xây dựng hệ thống thu góp chất thải, góp thêm vốn mua con giống. Cách làm của HTX là vừa nuôi sinh sản, vừa nuôi vỗ béo trâu thương phẩm cung cấp cho tiêu dùng. Sau gần nửa năm thực hiện, HTX có trong chuồng 25 con trâu nái. Một số con trâu nái được cán bộ thú y xã thụ tinh nhân tạo đang sinh trưởng khỏe mạnh, hứa hẹn sinh ra những con nghé khỏe mạnh. HTX đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, sẽ có đàn trâu nghé từ 10 – 15 con và sẽ cung cấp cho thị trường tiêu dùng khoảng từ 80 – 100 con trâu vỗ béo, tương đương sản lượng 15 – 25 tấn thịt cho tiêu dùng...

Chủ tịch UBND xã Bằng Hành, Ngọc Văn Bảo cho biết thêm: Bằng Hành quyết tâm cơ cấu lại sản xuất theo hướng xây dựng và từng bước mở rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò ngay từ mỗi thôn, bản. Trên cơ sở rà soát lại đất đai, bố trí lại diện tích đất canh tác phù hợp để chuyển đổi từ trồng cấy sang chăn nuôi. Trước mắt, dựa vào nguồn lực đầu tư tại chỗ trong dân, lấy người dân làm chủ thể để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại chỗ. Việc mở rộng chăn nuôi trâu, bò thành một nền kinh tế thị trường ở Bằng Hành rất cần có thêm sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, của tỉnh, huyện; cần một cơ chế hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư chăn nuô có lãi suất hợp lý, thời gian cho vay đủ dài sẽ tạo ra “đòn bẩy” để chăn nuôi phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Cùng chuyên mục

Đổi mới mô hình hoạt động của Xí nghiệp Dịch vụ điện lực Hà Giang

BHG - Theo hướng tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Hà Giang được thành lập trên cơ sở chia tách từ Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Tuyên Quang trực thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc từ năm 2019. Sau gần hai năm hoạt động theo mô hình mới, các dịch vụ điện lực về tư vấn thiết kế, xây lắp, sửa chữa điện, thí nghiệm điện, quản lý và chỉnh trang cáp viễn thông treo trên cột điện và các dịch vụ khác ngày càng đáp ứng sự hài lòng của khách hàng, tăng tính công khai, minh bạch hoạt động sản xuất điện năng, đảm bảo kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH tại địa phương.

11/08/2021
Linh Hồ hướng đến mục tiêu xã Nông thôn mới nâng cao

BHG - Xã Linh Hồ (Vị Xuyên) là nơi được Tỉnh ủy lựa chọn làm đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Linh Hồ đang vận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện mục tiêu trở thành xã Nông thôn mới (NTM) nâng cao.

10/08/2021
Thanh Vân đẩy nhanh tiến độ về đích

BHG - Về xã Thanh Vân (Quản Bạ) những ngày này là không khí hồ hởi, sôi nổi xây dựng Nông thôn mới (NTM) của bà con các dân tộc. Bộ mặt nông thôn miền núi của xã có nhiều đổi thay, những ngôi nhà kiên cố, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, sự no ấm dần hiện hữu nơi đây. Đến nay, xã Thanh Vân đã đạt 10/19 tiêu chí và đang phấn đấu về đích NTM trong năm nay.

10/08/2021
Vị Xuyên chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, giai đoạn 2021 – 2025

BHG - Thời gian qua, huyện Vị Xuyên tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ các nguồn lực hỗ trợ, trong đó có nguồn quỹ khuyến công của tỉnh, sự nỗ lực của các đơn vị sản xuất, đến nay, nhiều sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường.

09/08/2021