Sản phẩm OCOP "mở lối" giúp HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Tổng hợp Ngọc Sơn vươn xa
BHG - Những năm qua, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường, đặc biệt, thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết sản phẩm nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) cũng gặp khó khăn bước đầu tư kỹ thuật sản xuất, đến việc tiêu thụ các sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công địa phương trong việc hỗ trợ HTX về máy móc kỹ thuật sản xuất, về xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt là việc khuyến khích xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh đã góp phần giúp HTX ngày càng khẳng định mình trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.
Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn giới thiệu các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. |
Kể từ khi thành lập cho đến nay, HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn đã có 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Năm 2021, HTX xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo dựng thương hiệu của sản phẩm và ghi dấu ấn tại các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Khi được xếp hạng OCOP, nông sản có cơ hội vượt khỏi “ao làng”, vươn ra thị trường lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn đã sản xuất được 10,85 tấn tinh bột và củ nghệ sấy khô, đồng thời HTX đã liên kết xuất bán nghệ tươi được 658,5 tấn nghệ tươi cho nhân dân tại các xã Minh Ngọc, Yên Định, Minh Sơn, Yên Phong… Hiện nay, HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn vẫn luôn duy trì hoạt động và tạo việc làm thường xuyên cho 5 đến 10 lao động địa phương đóng gói sản phẩm tinh bột nghệ xuất sang thị trường Nhật Bản.
Công nhân đóng gói các sản phẩm tại xưởng sản xuất của HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn. |
Đầu tháng 6.2021, HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn đã ký kết xuất khẩu đơn hàng đầu tiên đi Nhật Bản. Đây là chương trình ký kết hợp tác giữa HTX Ngọc Sơn với Công ty Cổ phần Công nghệ cao Y tế và môi trường Hạ Long Tokyo, chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và Công ty Cổ phần Công nghệ cao G7, khu công nghiệp Sông Hậu tỉnh Hậu Giang. Với số lượng hàng lên đến 1,5 tấn bột nghệ, giá bán 750.000đ/1kg, tổng giá trị đơn hàng trên 1 tỷ đồng. Đây có thể nói là đơn hàng đầu tiên có giá trị kinh tế cao đối với HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn kể từ khi thành lập cho đến nay.
Nhằm đáp ứng được thị trường tiêu thụ khó tính như Nhật Bản, HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn phải đáp ứng nhu cầu về thời gian, mẫu mã bao bì, chất lượng hàng hóa, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn rõ ràng và chứng nhận kiểm định của các cơ quan chức năng. Chất lượng và số lượng của sản phẩm ngày càng được quan tâm đầu tư, có sự thay đổi rõ rệt. Cùng với việc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, hiện nay HTX còn nhận được nhiều đơn đặt hàng của các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Phan Thiết, Phan Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Điều này có được không chỉ ở sự nỗ lực của bản thân HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn mà còn có sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương trong thời gian qua… Trong đó, đặc biệt là sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương năm 2017 trong việc hỗ trợ HTX ứng dụng máy móc, thiết bị, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm tinh bột nghệ. Qua đó, góp phần giúp cho HTX có thêm nguồn lực, khả năng để đưa sản phẩm ra thị trường một cách tốt nhất trong điều kiện của một địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn cho biết: Để đứng vững trên thị trường, chúng tôi phải không ngừng khẳng định chất lượng sản phẩm, từng bước chuẩn hóa về mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói… Khi khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, HTX bắt đầu thăm dò, tìm kiếm thị trường xuất khẩu với mục tiêu đưa đặc sản tinh bột nghệ vươn ra “biển lớn”. Đến nay, tham vọng đó thành hiện thực, khi các sản phẩm chế biến tinh bột nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. “Phương châm của HTX là luôn đồng hành với người nông dân nên khi tham gia chuỗi liên kết, người dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm. Mục đích cuối cùng của HTX là giúp nông dân tiếp cận giống cây mới, năng suất, hiệu quả kinh tế cao, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, cùng nhau xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp Bắc Mê tiến xa hơn”, chị Sáu nhấn mạnh.
Có thể nói, chương trình OCOP đã “mở lối” để các sản phẩm đặc trưng của huyện Bắc Mê vươn xa, góp phần giúp cho các tổ chức, cá nhân tập trung phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu. Qua đó, cũng đã góp phần khẳng định nhiều sản phẩm OCOP trên quê hương Bắc Mê.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN