"Đủng đỉnh"... thị trường vật liệu xây dựng - Kỳ đầu: Người dân và doanh nghiệp gặp khó
BHG - Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường biến động mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã có chỉ đạo, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương ráo riết thực hiện các biện pháp nhằm “hạ nhiệt”, nhưng thị trường vật liệu xây dựng vẫn cứ... đủng đỉnh!
Nhiều công trình xây dựng nhà ở của người dân bị chậm tiến độ do giá vật liệu xây dựng tăng cao. |
Qua khảo sát, từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng liên tục biến động, khiến người dân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở lo lắng. Ông Đỗ Tiến Quân, tổ 9, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) khởi công xây dựng nhà ở từ tháng 1 vừa qua, nhưng đến thời điểm hiện tại tiến độ không hơn gì... “rùa bò”. Nguyên nhân do giá vật liệu tăng cao, chi phí xây dựng đội lên rất nhiều khiến gia đình chạy vạy mãi vẫn không đủ tiền. Ông Quân cho biết: So với thời điểm năm 2020 thì giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 20 – 30%. Gia đình tôi xây nhà với tổng diện tích 160 m2, gồm 2 tầng và các công trình phụ trợ, theo tính toán giá vật liệu xây dựng đã tăng thêm cả trăm triệu đồng.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Trường, xã Việt Vinh (Bắc Quang) cho biết, giá thép tăng cao khiến chi phí xây nhà của anh cũng tăng theo. Ngoài ra, có nhiều phát sinh ăn theo giá vật liệu xây dựng như chi phí nhân công tăng so với cùng kỳ năm trước khiến nhiều chủ thầu xây dựng thi công cầm chừng hoặc bỏ dở.
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến chi phí sản xuất gạch bị đội giá. |
Khảo sát tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá thép biến động tương đối lớn. Tại thời điểm ngày 23.6.2021, giá thép Hòa Phát D18 dao động ở mức 418.000 đồng/cây. Trong khi đó, vào thời điểm tháng 6.2020, thép Hòa Phát D18 chỉ có giá 295.000 đồng/cây. Các loại xi măng thường dùng trong các công trình xây dựng dân dụng như Yên Bình hiện có giá 1.180.000 đồng/tấn, Hải Phòng 1.360.000 đồng/tấn, tăng khoảng 80.000 - 100.000 đồng/tấn so với cùng kỳ 2020.
Giá gạch đặc Phú Thọ 1.250 đồng/viên, gạch 2 lỗ size 10 có giá 1.130 đồng/viên, tăng nhẹ so với năm trước.
Giá cát (đã bao gồm chi phí vận chuyển) cũng có sự biến động, trong đó giá cát xây loại 1 là 300.000 đồng/m3, loại 2 là 285.000 đồng/m3; cát trát loại 1 có giá 335.000 đồng/m3, loại 2 là 317.000 đồng/m3. So với cuối năm 2020, giá cả tăng từ 50.000 – 70.000 đồng/m3.
Qua trao đổi với chủ cửa hàng gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh Tịnh Chi (thành phố Hà Giang), giá gạch lát cũng có biến động nhẹ. Gạch lát Prime kích thước 50 x 50 cm có giá 74.000 – 90.000/hộp 4 viên, gạch ốp Prime kích thước 30 x 45 cm có giá từ 80.000 – 100.000 đồng/m2. Giá thạch cao từ 100.000 đồng/m2 tăng lên 120.000 đồng/m2 so với cùng kỳ năm trước. Còn đối với mặt hàng sơn nội thất và ngoại thất, nếu như thời điểm cuối năm 2020, sơn nội thất của hãng Jotun (Essence che phủ tối đa mờ) thùng 15 lít có giá 2.895.000 đồng thì đến tháng 5.2021 đã tăng lên 3.329.000 đồng/thùng; sơn ngoại thất Jotun (Jota Shield chống phai màu) thùng 15 lít tăng từ 5.655.000 đồng cuối năm 2020 lên 5.994.000 đồng/thùng.
Tương tự như các loại gạch đỏ, gạch bi dùng trong xây dựng các công trình nhà ở, công trình phụ trợ, tường rào, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm… cũng có biến động. Theo ông Nguyễn Văn Bắc, chủ cơ sở sản xuất gạch bi Bắc Tơ, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang), mỗi ngày cơ sở sản xuất 3.000 viên, giá bán 1.800 đồng/viên. Do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng nên chi phí sản xuất cũng bị đội giá, cộng với giá thép tăng cao, nhiều hộ đã hoãn việc xây dựng, sửa chữa nhà và các công trình dẫn đến việc tiêu thụ gạch bị ảnh hưởng.
Nguyên vật liệu tăng giá chóng mặt không chỉ tác động đến hoạt động xây dựng công trình dân dụng, mà kể cả những nhà thầu chuyên nghiệp cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Đại diện một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Giang cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng tăng cao, trong đó giá sắt, thép tăng đến 30 - 40% so với quý 4.2020, khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do có nhiều hợp đồng xây dựng các công trình từ ngân sách đã ký trước đó.
Anh Trần Văn Công, nhà thầu chuyên thi công các công trình dân dụng trên địa bàn thành phố Hà Giang cho biết: Thời điểm tháng 6.2020, giá nhân công ký hợp đồng thỏa thuận với chủ nhà là 1 triệu đồng/m2 xây dựng, tuy nhiên hiện nay giá thị trường chung đã tăng lên 1,2 triệu đồng/m2. Tôi cũng như nhiều nhà thầu khác bị thiệt hại về kinh tế vì một số hợp đồng trọn gói đã ký từ trước với chủ nhà nên không thể điều chỉnh đơn giá.
Theo tính toán của các chuyên gia, trong một công trình xây dựng, tỷ trọng chi phí thép chiếm khoảng 12 - 16%. Trong trường hợp giá thép biến động 10% thì giá công trình sẽ tăng 1%. Tại thời điểm tháng 4, tháng 5.2021, giá thép có loại tăng tới 40 - 45% so với cuối năm 2020, tương đương mỗi công trình sẽ tăng thêm hơn 4% giá trị.
Trước tình hình trên, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có các giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù giá thép đã bắt đầu giảm nhưng giá các loại vật liệu xây dựng khác vẫn giữ ở mức cao và chưa có dấu hiệu... “hạ nhiệt”.
Bài, ảnh: NG.PHƯƠNG - TH.KHANG