Nông sản Hà Giang vươn ra "biển lớn"- Kỳ 1: Quyết tâm phát triển sản phẩm đặc sản
BHG - Ngày 22.3.2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 500 phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm (Đề án OCOP) giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2030. Chủ trương trên thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, đưa hàng nông sản của tỉnh vươn ra “biển lớn”.
Đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Đề án OCOP của tỉnh xác định: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và tăng giá trị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn của tỉnh theo hướng bền vững. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP các cấp và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể tham gia OCOP; nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị của đội ngũ nhân lực tham gia hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP…
Tỉnh ta đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp 80 - 100 sản phẩm và phát triển mới 40 - 50 sản phẩm; con số này tăng dần theo các năm và tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu theo chuỗi; công nhận được các sản phẩm 5 sao cấp quốc gia và cấp tỉnh; lựa chọn, củng cố 60 - 80 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hiện có và phát triển mới 30 - 40 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.
Để khẳng định quyết tâm và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, hệ thống chỉ đạo, điều hành 3 cấp (từ tỉnh đến xã) được xây dựng rất bài bản, cụ thể. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Tấn Sơn cho biết: Với hệ thống điều hành 3 cấp và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị nên sự điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, trách nhiệm, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp, ngành và vai trò của từng cá nhân tham gia trong chu trình OCOP.
Xác định thực hiện đề án một cách bài bản, chắc chắn, năm 2018 tỉnh ta lựa chọn huyện Quản Bạ triển khai thí điểm. Từ đó rút kinh nghiệm triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh trong năm 2019 - 2020. Cùng với đó tập trung tuyên truyền sâu rộng để các cấp, ngành, người dân hiểu rõ mục tiêu, mục đích của Đề án OCOP và phương pháp tổ chức thực hiện, góp phần huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Minh chứng là tỉnh đã xây dựng trang web về OCOP với tên miền https://ocop.hagiang.gov.vn; Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên mục phản ánh chuyên sâu về tiến độ, kết quả triển khai OCOP. Nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh cũng thu hút các cơ quan báo chí, truyền hình T.Ư tuyên truyền. Đã có trên 1.000 lượt tin, bài, ảnh về OCOP của tỉnh đã được thông tin tới bạn đọc trên các phương tiện truyền thông.
Là chương trình mới nên công tác tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng cũng được chú trọng và duy trì thường xuyên, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong 3 năm, có gần 3.000 lượt người được quán triệt, tập huấn, hướng dẫn giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý và thực hiện chu trình OCOP. Đặc biệt, nhằm khuyến khích sự vào cuộc và nâng cao trách nhiệm, tạo động lực cho các chủ thể trong xây dựng sản phẩm OCOP, ngày 19.7.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09 phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, lồng nghép 2 nội dung hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm: Hỗ trợ bao bì nhãn hàng hóa, kiểm định chất lượng sản phẩm, khai thác chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ chi phí thiết kế bao bì sản phẩm. Trong 3 năm, tỉnh đã dành gần 40 tỷ đồng để thực hiện chương trình OCOP, trong đó dành một phần kinh phí hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao in ấn, thiết kế bao bì, tem nhãn hàng hóa với định mức 100 triệu đồng/sản phẩm.
Với những gì đã triển khai, kết thúc giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh ta có 188 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, vượt mục tiêu đề án đề ra. Trong đó có 149 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 37 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 2 sản phẩm được công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Kỳ II: Từng bước khẳng định thương hiệu
Ý kiến bạn đọc