Phát triển nông nghiệp hàng hóa hướng đi bền vững ở Hoàng Su Phì

09:27, 23/12/2020

BHG - Là huyện vùng núi đất phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân. 

Chế biến củ cải ở HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm sản Hoàng Su Phì.
Chế biến củ cải ở HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm sản Hoàng Su Phì.

Củ cải nương Hoàng Su Phì là một trong những sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, những năm gần đây, huyện đang vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Củ cải được người dân trồng khoảng 300 - 400 ha mỗi vụ, tổng sản lượng ước đạt 2.500 tấn/vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm sản Hoàng Su Phì thu mua và chế biến các sản phẩm từ củ cải của địa phương. Củ cải tươi sau khi được chuyển về HTX sẽ được chế biến trên dây chuyền sạch và sấy khô bằng hơi nước bão hòa. Với công suất chế biến mỗi ngày từ 3 đến 5 tấn củ cải tươi, HTX đã góp phần bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho bà con trên địa bàn. Các sản phẩm chế biến từ củ cải của HTX rất đa dạng như: Củ cải sợi sấy khô, củ cải sấy dẻo, củ cải muối khô, củ cải trộn ăn liền… Nhờ đáp ứng tiêu chí sản phẩm sạch, an toàn với mùi thơm đặc trưng của củ cải nương nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ củ cải của HTX đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, HTX ký được hợp đồng thu mua sản phẩm với nhiều công ty chế biến thức ăn chay tại Hà Nội và bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan… 

Với chất đất tốt cùng khí hậu mát mẻ quanh năm, Hoàng Su Phì sở hữu vùng chè lớn, đặc biệt là giống chè Shan tuyết bản địa có chất lượng thơm, ngon hơn nhiều vùng khác. Chè cũng được huyện xác định là cây “mũi nhọn” của địa phương. Với tổng diện tích trên 4.600 ha, huyện đang tập trung nhiều giải pháp để hướng đến sản xuất hàng hóa. Chú trọng quy hoạch lại vùng trồng, thu mua và chế biến chè trọng điểm; phân vùng nguyên liệu cho các HTX, cơ sở chế biến trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo ra các chuỗi giá trị liên kết từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm. Vì vậy, đời sống người dân vùng chè cũng được nâng lên đáng kể. 

Đặc biệt, huyện Hoàng Su Phì có 1.470 ha chè đã được chứng nhận hữu cơ; trong đó có 161 ha theo tiêu chuẩn Liên minh châu Âu. Ngoài ra, chè Hoàng Su Phì đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận quần thể cây chè di sản Việt Nam. Sản phẩm chè của huyện đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Thời gian qua, huyện đang tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ chè như: Bạch trà, Hồng trà, Trà xanh, Trà móng rồng… Năm 2020, có 2 sản phẩm chè OCOP của huyện đạt 5 sao là sản phẩm trà Xanh (hộp 100 gam) và Hồng trà (hộp 100 gam) của HTX chế biến chè Phìn Hồ, đang được tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Qua đó, có thể thấy, ngành chè của huyện đang từng bước “tiệm cận” đến sản xuất hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Triệu Sơn An cho biết: Xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây, huyện đã tập trung lựa chọn cây, con đặc sản theo vùng để phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định, phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, do đó, huyện cũng chủ động vận dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách, các đề án, chương trình nông nghiệp trọng tâm của tỉnh để đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân. Qua đó, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả. 

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh thanh toán điện tử

BHG - Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các ngành như: Ngân hàng, Giáo dục, Bảo hiểm xã hội (BHXH), điện, nước… đã, đang đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt.

 

23/12/2020
Nâng cao vai trò Ban điều hành Quỹ bảo vệ và phát triển rừng

BHG - Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đưa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) vào cuộc sống, Ban điều hành Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (gọi tắt là Quỹ) tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, mang lại hiệu quả thiết thực.

 

23/12/2020
Sản xuất công nghiệp một năm vượt khó

BHG - Có thể nói, năm 2020 là một năm vượt khó của nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh nói riêng. Dưới tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất CN, tiểu thủ công nghiệp.Tuy nhiên, sản xuất CN vẫn có bước phát triển khởi sắc, từng bước phục hồi.

22/12/2020
Nữ đảng viên làm kinh tế giỏi

BHG - Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, nhiều đảng viên trên địa bàn thành phố Hà Giang đã đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, góp phần lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân về sự năng động, sáng tạo trong phát triển KT - XH ở địa phương. Trong đó, phải kể đến cô Nguyễn Thị Dần, thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) một trong những đảng viên tiêu biểu về làm kinh tế giỏi.

 

22/12/2020