Kinh tế mới ở Ngọc Long
BHG - Hai năm trở lại đây, xã Ngọc Long (Yên Minh) đang trở thành điển hình trong thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu, bước đầu cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong phát triển kinh tế hộ ở địa phương.
Lãnh đạo xã kiểm tra vườn ươm giống cây Hồi. |
Những ngày cuối Thu, chúng tôi có dịp đến thôn Phiêng Kiền - một trong những thôn đang phát triển mạnh cây Sa nhân tím. Theo chân ông Tẩn A Cái thăm “rừng” Sa nhân mới 2 năm tuổi của gia đình, thật ngạc nhiên khi phần lớn các khóm Sa nhân đã bắt đầu cho quả, trong khi chu kỳ sinh trưởng của cây Sa nhân thường từ 3 năm trở đi mới cho thu hoạch.
Ông Cái chia sẻ: Cuối năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ gần 1.000 cây Sa nhân tím theo chương trình tạo sinh kế của huyện. Sau khi trồng, cây phát triển tốt, tôi tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ. Hiện, gia đình có trên 2 ha và phát triển rất tốt, tự mọc lan nên mật độ dày hơn và ngày càng mở rộng diện tích so với ban đầu. Một phần đã bắt đầu ra quả. Từ năm thứ 3 trở đi chắc chắn sản lượng sẽ cao, hy vọng thị trường tiêu thụ tốt, gia đình tôi sẽ có thu nhập khá từ loại cây này.
Theo Trưởng thôn Phiêng Kiền, Lý A Đong, toàn thôn có 57 hộ thì phần lớn các hộ đã và đang phát triển cây Sa nhân tím bởi loại cây này không giống như Thảo quả phải trồng dưới tán rừng già, mà phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng dưới tán vườn rừng sản xuất của người dân và không mất nhiều công chăm sóc, bón phân, làm cỏ. Tổng diện tích Sa nhân tím toàn thôn đã lên vài chục héc – ta và bắt đầu cho quả. Hiện, theo thông tin từ một số thương lái, giá quả Sa nhân tím năm nay khoảng 40 nghìn đồng/kg tươi, trên 200 nghìn đồng/kg khô.
Rời Phiêng Kiền đến thôn Tả Muồng, đưa chúng tôi đi thăm hệ thống lò chiết xuất tinh dầu sả đang được xây dựng và ươm cây Hồi, Trưởng thôn Phàn A Kim cho biết: Ngoài cây Sa nhân tím đang được phát triển mạnh, những năm gần đây người dân trong thôn còn được hỗ trợ và tập trung mở rộng diện tích trồng cây sả Java và cây Hồi để chiết xuất tinh dầu. Nhiều gia đình đã tự đầu tư hệ thống chiết xuất tại gia đình, bước đầu đã có sản phẩm bán ra thị trường với giá khoảng 450 nghìn đồng/lít dầu sả.
Theo báo cáo của xã Ngọc Long, toàn xã hiện có trên 120 ha Sa nhân tím, trên 5 ha sả và 5 ha Hồi. Các loại cây này mới được thí điểm trồng trong 2 năm trở lại đây từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế của huyện. Qua thí điểm cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và được người dân hưởng ứng, chủ động đi học tập kinh nghiệm, đầu tư mở rộng diện tích phát triển kinh tế.
Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Long, Hà Văn Chính, cho biết: Ngọc Long có điều kiện bất lợi khi cách trung tâm huyện trên 40 km, giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt với các xã lân cận. Hiện, toàn xã có gần 1.600 hộ, trên 9.200 khẩu. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 17,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2020 vẫn còn trên 36%. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, với sự hỗ trợ của huyện, xã đã triển khai tích cực, quyết liệt và tuyên truyền, vận động người dân trồng, chăm sóc tốt diện tích cây Sa nhân tím, sả và Hồi với hy vọng mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp các hộ thoát nghèo và làm giàu trên quê hương của mình. Từ 80 ha được hỗ trợ bà con đã phát triển cây Sa nhân lên trên 100 ha, cây sả đã có sản phẩm ban đầu, cây Hồi cho thấy sự phù hợp và đang được người dân nhân rộng cho thấy tín hiệu đáng mừng của các mô hình này.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc