Bắc Mê phát triển các gia trại vừa và nhỏ

10:04, 09/11/2020

BHG - Để không bị thất thoát và phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nhằm  tránh việc đầu tư tràn lan; đó là mục tiêu được huyện Bắc Mê xác định trong việc giải ngân các nguồn vốn phát triển các gia trại chăn nuôi. Với quyết tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và Đề án nửa triệu con gia súc; huyện phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi năm 2020 đạt 30%.

Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Văn Cương, thôn Nà Nưa, xã Đường Hồng.
Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Văn Cương, thôn Nà Nưa, xã Đường Hồng.

Từ thực tế, nhiều trang trại khi được vay vốn với nguồn đầu tư lớn nhưng do không tâm huyết, chưa có kinh nghiệm hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh,… khiến nhiều trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn trên địa bàn huyện bị phá sản. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về chăn nuôi; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông, lâm nghiệp; phát triển các gia trại chăn nuôi phù hợp với quy mô nông hộ theo hướng xây dựng chuồng trại kiên cố, nâng cao số lượng, chất lượng đàn theo hướng chăn nuôi tập trung. Huyện Bắc Mê đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển gia trại vừa và nhỏ và tập trung vào các đối tượng: Người có kinh nghiệm, tâm huyết, mong muốn vươn lên làm giàu từ chăn nuôi; ưu tiên hộ đăng ký chăn nuôi lợn, gà bằng giống địa phương với phương thức đầu tư có thu hồi. Cùng với đó, đa dạng các loại hình hỗ trợ, như: Chăn nuôi gia trại trâu, bò, lợn, gia cầm, dê… Với mức vay tối đa 50 triệu đồng/1 gia trại.

Chia sẻ về cách làm và hiệu quả bước đầu của chương trình; đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Nhằm phát triển các thế mạnh của địa phương và tạo nguồn thu nhập, việc làm cho người dân. Huyện đã tiến hành thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển gia trại; để chương trình thực sự hiệu quả, huyện tập trung vào việc thẩm định tìm đúng đối tượng, giảm số lượng chỉ tiêu; xác định hỗ trợ theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhu cầu chăn nuôi của người dân với quy mô vừa sức nuôi,… đồng thời hỗ trợ làm hầm Biogas. Đến nay, huyện đã phê duyệt và giải ngân cho hơn 20 hộ; các hộ đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn…”.

Vui mừng và cảm thấy may mắn khi được hưởng vốn vay từ chương trình, anh Hoàng Văn Cương, thôn Nà Nưa, xã Đường Hồng, chia sẻ: “Gia đình đã chăn nuôi lợn được nhiều năm và đang mong muốn mở rộng chăn nuôi; khi được biết đến nguồn vốn hỗ trợ, gia đình đã đăng ký và hy vọng được vay vốn. Đáp ứng nguyện vọng, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình đã tiến hành đầu tư mở rộng chuồng trại và phát triển đàn lợn lên hơn 60 con. Với sự hỗ trợ xây hầm Biogas, gia đình đã bỏ thêm tiền mua bình với khối lượng hơn 12 khối để tương ứng với mô hình chăn nuôi. Với mô hình khép kín, việc chăn nuôi của gia đình trở nên dễ dàng hơn; việc có hệ thống xử lý chất thải khép kín, giúp gia đình có nguồn nguyên liệu khí đốt phục vụ sinh hoạt, như: Nấu ăn, nấu rượu, nấu cám,… rất thuận tiện.”

“Là một chương trình mang tính hiệu quả cao, nên số lượng người dân đăng ký rất đông. Để tạo sự công bằng, xã tiến hành họp thôn để bình xét. Qua đó, lựa chọn ra những hộ tiêu biểu; trong thời gian tới, xã tiếp tục rà soát và mong muốn huyện mở rộng thêm đối tượng, để nhiều người dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay. Từ đó, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển và giúp người dân vươn lên thoát nghèo…”. Đó là mong muốn của đồng chí Lê Văn Căn, Bí thư Đảng ủy xã Đường Hồng.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng của đông đảo người dân; chương trình hỗ trợ phát triển gia trại chăn nuôi vừa và nhỏ của huyện đã, đang tiếp thêm nguồn lực và tạo cơ hội cho người dân thúc đẩy phát triển kinh tế từ chính năng lực, khả năng cũng như lợi thế của mình. Từ đó, tạo đà cho sự phát triển cũng như đổi thay nền kinh tế huyện nhà.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần nhân rộng các mô hình sản xuất mới

BHG - Nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững; huyện Xín Mần đã triển khai các mô hình thí điểm tại nhiều địa phương, hiệu quả bước đầu đã mở ra hướng đi mới để bà con áp dụng vào sản xuất, tạo sinh kế bền vững tại quê nhà.

 

09/11/2020
Trái ngọt từ đồi, vườn tạp

BHG - Sau một nhiệm kỳ Đại hội (2015 – 2020), Bắc Quang đã chuyển đổi trên 4.500 ha diện tích đồi, vườn tạp sang trồng cây ăn quả có múi. Hiện nay, mỗi năm Bắc Quang thu về gần 60.000 tấn cam, quýt, bưởi đặc sản; đem lại doanh thu cả ngàn tỷ đồng. Vườn tạp, đồi tạp đã thành trái ngọt góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nông thôn ở các vùng đồi núi.

09/11/2020
Thành phố Hà Giang phát huy thế mạnh thương mại, dịch vụ

BHG - Xác định thương mại, dịch vụ, du lịch là nền kinh tế mũi nhọn, cũng là thế mạnh của địa phương, những năm qua, thành phố Hà Giang đã đưa ra nhiều giải pháp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng này. Đến nay, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 9,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thương mại, dịch vụ có bước phát triển nhanh, chiếm 78,2%. 

08/11/2020
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của Hà Giang tại Hà Nội

BHG - Từ ngày 6 – 8.11, tại Vincom Mega Mall Royal City Hà Nội, Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và xúc tiến thương mại được tổ chức. Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương Hà Giang tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Hà Giang tới các đại biểu và doanh nghiệp xuất khẩu.

08/11/2020