Ngọc Minh nỗ lực giảm nghèo
BHG - Là xã vùng sâu, vùng xa và cách trung tâm huyện Vị Xuyên 22 km; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các tác động của thiên tai, dịch bệnh diễn biến thất thường đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong quá trình sản xuất. Chính vì vây, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Minh luôn đoàn kết, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn và phát huy tối đa năng lực, thế mạnh của địa phương; từng bước đẩy mạnh phát triển KT – XH, nâng cao đời sống vật, chất tinh thần cho người dân.
Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu và đẩy mạnh phát triển cây trồng vụ Đông; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát huy hiệu quả mô hình sản xuất đa canh trong nông nghiệp; tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, ngành nghề dịch vụ gắn với kinh tế nông nghiệp, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường với một số sản phẩm chủ lực của xã (lợn đen, gà đồi, mật ong…); định hướng vùng phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa… Đến nay, sản lượng lương thực bình quân của người dân Ngọc Minh đạt 627 kg/người/năm; toàn xã có 4 mô hình kinh tế chăn nuôi trâu bò hàng hóa quy mô gia trại cùng 23 ha ao nuôi cá, sản lượng cá đạt trên 11 tấn/năm…
Cùng với đó, chính quyền xã tích cực tạo điều kiện hỗ trợ, kết nối các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, Nghị quyết 209, 86, 29 và chương trình 135,… giúp người dân có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ông Chương Văn Quỷ (sinh 1954), thôn Tân Bình (Ngọc Minh), chia sẻ: “Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; năm 2017, gia đình tôi vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh với số tiền 60 triệu đồng để chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa; sau đó, tôi tham gia một số lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, phòng, trị bệnh cho đàn gia súc để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi luôn duy trì chăn nuôi đàn trâu hơn chục con, mỗi năm xuất bán 7 – 8 con; cho thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng”.
Xét theo thực tế tình hình phát triển kinh tế của địa phương, xã đã chủ động thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, như: Tổ chức các lớp tập huấn về kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng KHKT... Phối hợp với các tổ chức, đơn vị mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề; giải quyêt việc làm cho 671 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 48%. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một khởi sắc; đến nay, thu nhập bình quân đạt 17 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 37,61%. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lý Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh, cho biết: Cùng với việc phát triển KT, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xã đã đẩy mạnh phong trào xây dựng Nông thôn mới. Trong 5 năm qua, toàn xã đã tu sửa, làm mới được 30 km đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa 39,9 km kênh mương nội đồng; xây dựng khu thể thao, vui chơi… Đến nay, xã đã có 5/7 thôn đạt NTM; duy trì 11 tiêu chí NTM đã đạt và nỗ lực hoàn thành 8 tiêu chí còn lại.
Hiện, xã đang chú trọng phát triển hàng hóa du lịch địa phương, đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu sản phảm mật ong rừng đạt chuẩn OCOP tại thôn Tân Bình. Đây là sản phẩm mật ong tự nhiên, ong được nuôi và tạo mật nhờ phấn hoa của các loại cây rừng, có hương thơm tự nhiên và độ ngọt sắc, không bị tạo đường khi để lâu… Qua việc kích cầu đã tạo điều kiện cho sản phẩm đặc trưng của xã được nhiều nơi biết đến. Từ đó, các hoạt động giao thương hàng hóa được đẩy mạnh, đời sống của người dân ngày càng phát triển.
Nguyễn Ngân