Vị Xuyên sản xuất chè theo hướng VietGAP
BHG - Sản xuất chè sạch, an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè, nâng cao giá trị cây chè và nâng cao đời sống người làm chè là định hướng của huyện Vị Xuyên đối với việc phát triển chè Shan tuyết, cây trồng kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè, thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm chè địa phương.
Người dân thôn Hát, xã Việt Lâm thu hái chè VietGAP. |
Xác định cây chè là cây kinh tế chủ lực, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Việt Lâm tập trung phát triển sản xuất chè sạch, an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ. Đồng chí Vi Đức Thuật, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã hiện có 217 ha chè; trong đó, chè trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ là 80,8 ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2019 đạt trên 5.100 tấn. Cây chè đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã Việt Lâm đạt 35,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,34%. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền xã đề ra là tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất chè theo hướng hàng hóa tập trung; duy trì ổn định những diện tích chè hiện có, đồng thời khuyến khích các hộ trồng chè thay thế dần những diện tích chè cho thu hoạch kém chất lượng, bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Gia đình anh Ma Văn Chuyên, thôn Hát, xã Việt Lâm là hộ trồng chè nhiều năm nay, anh Chuyên cho hay: Hiện, gia đình tôi có gần 1 ha chè VietGAP, đảm bảo chất lượng, sạch, an toàn. Bình quân mỗi tháng vợ chồng tôi thu hái được khoảng 5 – 7 tạ chè búp tươi, tiêu thụ tại Hợp tác xã Thanh niên Sản xuất và Thương mại nông nghiệp Việt Lâm với giá bán khoảng 6.500 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập từ chè hàng năm của gia đình luôn ổn định được gần 70 triệu đồng.
Huyện Vị Xuyên hiện có tổng diện tích chè đạt 3.695,7 ha, quý I.2020 đã thực hiện trồng dặm 10,8 ha. Trong đó, diện tích chè VietGAP có 468 ha, chè hữu cơ 2.450,6 ha, tập trung ở các xã: Cao Bồ, Thượng Sơn, Lao Chải, Xín Chải, Trung Thành, Việt Lâm, thị trấn Việt Lâm… Diện tích chè cho sản phẩm 3.414,6 ha, năng suất ước đạt 39,5 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 13.487,7 tấn. Doanh thu năm 2019 đạt trên 240 tỷ đồng; giá trị thu nhập đạt từ 30 – 40 triệu đồng/ha. Để không ngừng nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chè, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất chè theo hướng hàng hóa, sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ; tập trung thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây chè; giúp các đơn vị, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè có vùng nguyên liệu ổn định sản xuất và chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm; thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho các hộ trồng chè; thúc đẩy liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè.
Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh đầu tư thâm canh diện tích chè tại các xã, thị trấn vùng thấp, như: Trung Thành, Việt Lâm, thị trấn Việt Lâm,… áp dụng theo quy trình VietGAP về bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, hướng dẫn cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè... Đối với diện tích chè vùng cao, chè cổ thụ tại các xã Cao Bồ, Thượng Sơn, Lao Chải,… huyện khuyến khích người dân chăm sóc theo hướng sản xuất sạch, an toàn; tuyên truyền, vận động các hộ trồng chè sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, đảm bảo chất lượng, giá trị sản phẩm chè địa phương.
Thêm nữa, huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn vùng chè đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để người dân vùng chè, các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất chè, nhân rộng vùng chè theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng chế biến và giá trị tiêu thụ sản phẩm chè. Từ đầu năm đến nay, có 25 hộ đăng ký vay vốn phát triển sản xuất chè theo Nghị quyết 209, vay trên 1,125 tỷ đồng; 1 đơn vị đăng ký vay vốn xây dựng cơ sở chế biến chè với nhu cầu vay 1 tỷ đồng; đã giải ngân được cho 3 hộ với tổng số vốn 165 triệu đồng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển vùng sản xuất chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các xã vùng chè của huyện, gắn với việc tăng cường mối liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh với người dân vùng chè, nâng cao giá trị của sản phẩm chè, nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm chè Vị Xuyên đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: YẾN VŨ