Vị Xuyên nâng cao tầm vóc đàn gia súc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo
BHG - Những năm qua, chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh của huyện Vị Xuyên; góp phần đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương. Do đó, huyện đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển; trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ người dân cải tạo và phát triển đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT).
Trâu của gia đình chị Hứa Thị Phương, thôn Nà Diềm, xã Linh Hồ được thụ tinh nhân tạo sinh ra nghé có ngoại hình to, khỏe. |
Tổng đàn gia súc lớn của huyện Vị Xuyên hiện có 36.420 con; trong đó, đàn trâu 32.425 con, đàn bò 3.995 con. Tuy nhiên, do tập quán chăn thả của người dân nên đàn gia súc thường giao phối tự nhiên; thậm chí là cận huyết nên tỷ lệ phối giống đạt thấp, làm giảm tầm vóc và sức sản xuất của đàn trâu, bò; dẫn tới hiệu quả kinh tế chăn nuôi trâu, bò không cao. Để khắc phục tình trạng này, ngoài các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển đàn trâu, bò và làm chuồng trại theo Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh; huyện Vị Xuyên đặc biệt quan tâm đến công tác TTNT để từng bước nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò, thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa tại địa phương.
Theo đó, Từ năm 2016 đến nay, huyện đã chọn và cử 24 cán bộ đi đào tạo dẫn tinh viên tại Trung tâm Gia súc lớn Trung ương (VINALICA) với tổng kinh phí đào taọ là 114 triệu đồng. Năm 2016, huyện thành lập Tổ dịch vụ hỗ trợ nông, lâm nghiệp (năm 2018 được kiện toàn và đổi tên thành Tổ dịch vụ chăn nuôi và thú y huyện Vị Xuyên) với các thành viên là các dẫn tinh viên đã qua đào tạo, chuyên làm công tác TTNT trên địa bàn huyện. Các dẫn tinh viên được hỗ trợ bằng 0,4 mức lương cơ sở/lần thành công (tương đương gần 600 nghìn đồng). Đồng thời, huyện tổ chức được 13 lớp tập huấn kỹ thuật phát hiện động dục trâu, bò cho 505 người dân tại các xã: Phong Quang, Minh Tân, Thuận Hòa, Linh Hồ, Trung Thành, Việt Lâm,… với tổng kinh phí hơn 110 triệu đồng. Từ tháng 5.2016 đến nay, huyện đã thực hiện TTNT được 1.043 con trâu, bò; thụ tinh thành công 822 ca (trong đó có 130 con trâu và 692 con bò phối giống thành công); có 498 con nghé, bê được sinh ra.
Chị Hứa Thị Phương, thôn Nà Diềm, xã Linh Hồ, một trong những hộ chăn nuôi trâu nhiều năm nay, cho biết: Trước đây, chị chủ yếu chăn nuôi bán chăn thả và cho trâu phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, tháng 5.2019, gia đình chị quyết định áp dụng phương pháp TTNT cho trâu cái giống. Đến nay, nghé con sinh ra khỏe mạnh đã được hơn 1 tháng tuổi. Chị cho biết thêm: “So với cách phối giống truyền thống, tôi thấy nghé lai Murrah sinh ra từ phương pháp TTNT có tầm vóc cao, to hơn, đạt trọng lượng gần 30 kg, nặng hơn nghé con bình thường khoảng 5 – 7 kg, sức đề kháng cũng cao hơn”.
Chủ tịch UBND xã Linh Hồ, Hà Văn Nguyên, cho biết: “Tổng đàn gia súc lớn của xã hiện có là 2.561 con; trong đó, đàn trâu có 2.515 con, đàn bò có 46 con. Ban đầu khi mới triển thực hiện TTNT, số lượng hộ dân đăng ký tham gia không nhiều, tỷ lệ các ca thực hiện TTNT thành công đạt thấp; do tập quán chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả nên người dân chưa theo dõi, nắm bắt đúng chu kỳ động dục của trâu, bò; báo cho dẫn tinh viên muộn… Hiện, xã đã tích cực tuyên truyền, cử cán bộ chuyên môn của xã phối hợp với các hộ có đàn trâu, bò để theo dõi sức khỏe và kịp thời phối giống đúng quy trình kỹ thuật. Đến nay, xã đã thực hiện thành công 65 ca TTNT cho trâu, bò; tính đến cuối năm 2019 đã có 13 con bê, nghé được sinh ra bằng phương pháp TTNT. Việc phát triển đàn trâu, bò địa phương bằng phương pháp TTNT là hướng đi mới, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn, từng bước cải thiện đời sống cho người dân”.
Có thể thấy, việc thực hiện công tác TTNT đã thành công bước đầu, góp phần nâng cao tầm vóc, giá trị đàn trâu, bò của huyện; đồng thời làm thay đổi tập quán của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên quy mô hàng hóa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Thực hiện mục tiêu thực hiện TTNT thành công cho 500 con trâu, bò trong năm 2020; thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền công tác TTNT đến đông đảo bà con nhân dân; đẩy mạnh hoạt động của Tổ dịch vụ chăn nuôi và thú y thực hiện công tác TTNT trên địa bàn huyện; tổ chức cho các hộ chăn nuôi đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các trang trại, hộ chăn nuôi đang áp dụng TTNT trên đàn trâu, bò để thấy hiệu quả thực tế khi thực hiện TTNT; đồng thời tổ chức bình tuyển đàn trâu, bò cái giống để làm đàn nền cho công tác TTNT…
Bài, ảnh: Yến Vũ