Những mô hình kinh tế tiêu biểu ở Bắc Quang
BHG - Những thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên chính là lợi thế giúp huyện Bắc Quang phát triển ngành Nông nghiệp. Cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất của người nông dân, không ít mô hình sản xuất tiêu biểu trong phát triển kinh tế đã được hình thành, góp phần tạo nên diện mạo mới cho huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh.
Lãnh đạo huyện tham quan mô hình trồng cây Thanh long tại thị trấn Vĩnh Tuy. |
Điều phải nhắc tới là các mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt. Có thể điểm danh một số mô hình tiêu biểu, như: Mô hình HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc với diện tích trên 300 ha, mỗi năm cho thu nhập trên 10 tỷ đồng; mô hình chuyển đổi cải tạo vườn tạp sang trồng cây cam Giấy áp dụng thâm canh theo hướng VietGap tại thôn Việt Hà, xã Việt Hồng với quy mô 10 ha, doanh thu đạt từ 300 – 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây Thanh long ruột đỏ của HTX Thanh long ruột đỏ thôn An Xuân, xã Đồng Yên cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/thành viên/năm… Bên cạnh đó, một số mô hình sản xuất cây vụ Đông, như: Mô hình trồng dưa chuột (thôn Tân Tiến, xã Hùng An); trồng cây ngô (thôn Khiềm, xã Quang Minh),… cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/vụ.
Nuôi gà thương phẩm theo hướng gia trại giúp người dân xã Đồng tiến có thu nhập ổn định. |
Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng xuất hiện không ít mô hình ấn tượng. Nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi bò, lợn, chim bồ câu, cá lồng… Đơn cử như mô hình nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt thương phẩm của gia đình ông Chu Văn Bản (thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh). Thời điểm nhiều nhất, gia đình ông có đến 36 con lợn nái, mỗi năm xuất bán trên 1.000 lợn con; ngoài ra, ông nuôi thêm hơn 100 con lợn thịt, cho thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng. Hay như mô hình nuôi cá lồng của HTX Cá lồng Vĩnh Tuy, với quy mô 52 lồng cá (chủ yếu là cá Chiên), nếu không có thiên tai, dịch bệnh, mỗi năm HTX thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.
Cùng với những mô hình tiêu biểu trên, nhiều mô hình nông – lâm kết hợp cũng được thực hiện hiệu quả. Tại thôn Tân Điền, xã Kim Ngọc, hộ ông Bế Văn Chang được nhiều người biết đến với mô hình chăn nuôi bò và trồng cây dược liệu cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Để có được thu nhập này, ông đã trồng 1.000 m2 cây lá Khôi; nuôi hơn 10 con bò hàng hóa. Còn đoàn viên Hứa Văn Hùng, thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc lại khởi nghiệp với mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp từ dê, gà, cá và trồng cam Sành với doanh thu đạt 300 triệu đồng/năm.
Có thể nói, để hình thành nên những mô hình sản xuất tiêu biểu thì cần phải có những con người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Nếu không muốn nhắc lại những mô hình đã trình bày ở trên thì mô hình VAC tổng hợp của cựu chiến binh Nguyễn Công Minh, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm cũng khiến nhiều người thám phục. Với hơn 5 ha đất vườn rừng, ông dành 1 ha để trồng keo và 4 ha để trồng các loại cam như: Cam Vinh, Đường canh, V2. Phần diện tích đất còn lại, ông dùng để nuôi cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn đen. Ông Minh cho biết, để có được kết quả này, ngoài lợi thế quỹ đất sản xuất của gia đình, ông còn thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhằm đáp ứng thị hiếu của thị trường.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Quang, những năm qua, ngành Nông nghiệp của huyện được duy trì ở mức tăng trưởng khá. Riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 3.000 tỷ đồng (tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2018). Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của những mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ