Ngành Nông nghiệp chủ động ứng phó với dịch bệnh
BHG - Những tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bất thường của thiên tai và dịch bệnh. Dịch tả lợn châu Phi mới được khống chế nên công tác tái đàn gặp nhiều khó khăn, xuất hiện sâu, bệnh hại trên cây trồng, các mặt hàng nông sản chủ lực tiêu thụ khó khăn và giá bán có xu hướng giảm do tác động của dịch Covid – 19…
Người dân xã Bằng Hành (Bắc Quang) thu hoạch lúa Xuân. Ảnh: NGUYỄN HÙNG |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng lương thực có hạt thu hoạch trong vụ ước đạt 128.476,1 tấn, tăng 2.997,6 tấn so với vụ Xuân 2019. Trong đó, sản lượng lúa đạt 53.640,2 tấn, tăng 326 tấn; sản lượng ngô đạt 70.278 tấn, tăng 2.225 tấn so với vụ Xuân năm trước. Năng suất lúa ruộng ước đạt 57,73 tạ/ha; mặc dù tổng sản lượng lúa tăng so với cùng kỳ năm trước (do tăng thêm diện tích) nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh nên đã dẫn đến sản lượng lúa Xuân bị giảm 559,9 tấn, tập trung ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Tương tự như cây lúa, năng suất ngô thu hoạch trong vụ cũng giảm 0,18 tạ/ha so với vụ Xuân năm 2019 do xảy ra các đợt thiên tai mưa đá, tố lốc làm thiệt hại hơn 1.400 ha ngô ở các địa phương. Bên cạnh đó, cây đậu tương và cây lạc sản lượng thu hoạch cũng giảm so với cùng vụ năm trước.
Nông dân xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên thu hoạch lúa Xuân. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG |
Việc phát triển chăn nuôi ở các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi mới được khống chế dẫn đến việc mở rộng chăn nuôi, tái đàn lợn gặp nhiều vướng mắc. Lợn giống khan hiếm và đắt gấp 2 – 3 lần so với thời điểm trước dịch; chi phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thức ăn cao; người dân lo ngại việc tái phát dịch tả lợn châu Phi,… đã dẫn đến tâm lý e ngại, thận trọng trong việc tái đàn của các hộ chăn nuôi. Hiện, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 568.894 con, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các dịch bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng, đặc biệt là dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát đã khiến cho tổng đàn gia súc, gia cầm có xu hướng giảm ở hầu hết các địa phương.
Với mục tiêu, phấn đấu tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 42 vạn tấn, giá trị thu hoạch bình quân trên ha đất trồng cây hằng năm đạt 50 triệu đồng; ngành Nông nghiệp đang tập trung quyết liệt chỉ đạo khung thời vụ khép kín. Hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát ngay từ đầu vụ những diện tích đất không chủ động được nước tưới, đất bạc màu để chuyển sang trồng ngô và các loại cây màu khác, tránh để đất bỏ hoang. Tăng cường sử dụng các giống mới cho năng suất cao vào sản xuất như các giống lúa thuần chất lượng, giống ngô lai ngắn ngày,… phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng. Bố trí lại mùa vụ cho hợp lý theo hướng thâm canh tăng vụ. Chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết, có kế hoạch dự phòng về cơ cấu giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Rà soát các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đủ điều kiện để tái đàn lợn, phấn đấu đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển chăn nuôi: Đàn trâu, bò đạt 295.799 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8.969,4 tấn; đàn lợn đạt 594.824 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 32.848 tấn; đàn gia cầm đạt 5,2 triệu con. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án nửa triệu con đại gia súc, khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ sang gia trại, trang trại; từng bước hướng đến sản xuất theo chuỗi sản phẩm chăn nuôi, có truy xuất nguồn gốc. Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm khoa học trực thuộc ngành để bảo tồn nguồn gen và cung ứng con giống trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trong điều kiện gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đang tập trung nhiều giải pháp để đảm bảo tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 đạt 42 vạn tấn, đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân và đóng góp vào phát triển kinh tế của tỉnh. 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh mới thực hiện được 128.476,4 tấn sản lượng lương thực, còn thực hiện tiếp là 291.523,6 tấn. Giá trị thu hoạch bình quân trên ha đất trồng cây hằng năm phấn đấu nâng từ 46,38 triệu đồng năm 2019 lên 50 triệu đồng năm 2020 và tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp đạt 30%. Để đạt được mục tiêu đó, toàn ngành tăng cường hướng dẫn các địa phương chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ Xuân gắn với làm đất, triển khai sản xuất vụ Mùa đúng khung thời vụ. Tăng cường công tác dự tính, dự báo về sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ. Hướng dẫn người dân tái đàn lợn an toàn và quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục triển khai các phương án, kế hoạch theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh…
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc