"Đòn bẩy" cho nông hộ từ nguồn vốn vay ưu đãi của HĐND tỉnh
BHG - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi theo các Nghị quyết 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp; nhiều hộ sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có nguồn vốn quý báu để phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất.
Gia đình ông Vàng Dung Thắng, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thu nhập ổn định từ chăn nuôi bò. |
Theo thống kê, thực hiện Nghị quyết số 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh, có 7.447 hộ được vay vốn, với số tiền giải ngân là 667.706 triệu đồng. Đến nay đã thu về số tiền là 280.567 triệu đồng; dư nợ còn 387.139 triệu đồng, với 4.567 hộ vay vốn. Thực hiện Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh, có 152 hộ được vay vốn, với số tiền 37.378 triệu đồng; dư nợ còn 37.138 triệu đồng, với 149 hộ vay vốn.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi của HĐND tỉnh đã giúp nhiều nông hộ phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Thăm hộ ông Vàng Dung Thắng, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến (Quản Bạ), được biết: “Gia đình tôi vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh từ năm 2016, với số tiền là 175 triệu đồng để làm chuồng trại và mua bò giống. Sau 3 năm phát triển chăn nuôi, đến nay đàn trâu, bò của gia đình tôi đã tăng lên 9 con; hằng năm, bán bò đi thu về trên 100 triệu đồng và đã trả hết nợ vào cuối năm 2019. Nguồn vốn vay ưu đãi của HĐND tỉnh đã tạo điều kiện cho tôi mở rộng chăn nuôi, nâng cao thu nhập gia đình”.
Không chỉ riêng hộ ông Thắng, mà rất nhiều nông hộ khác trên địa bàn huyện Quản Bạ được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh; huyện đã giải ngân 46.346 triệu đồng cho 1 HTX và 581 gia đình. Trong đó: Hỗ trợ trồng cây dược liệu là 975 triệu đồng/4 hộ; xây dựng vườn ươm giống dược liệu 500 triệu đồng/1 hộ; xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản dược liệu 500 triệu đồng/1 HTX; phát triển chăn nuôi trâu, bò 35.360 triệu đồng/462 hộ; xây dựng chuồng trại 7.481 triệu đồng/97 hộ; chăn nuôi ong 1.440 triệu đồng/16 hộ; phát triển chăn nuôi gà 90 triệu đồng/1 hộ. Đến nay, đã thu hồi được 29.897 triệu đồng; số dư nợ còn 16.394 triệu đồng/202 hộ. Thực hiện Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh, huyện đã giải ngân 1.200 triệu đồng cho 5 hộ vay vốn. Trong đó: Xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm 400 triệu đồng/1 hộ; nuôi ong 40 triệu đồng/1 hộ; nuôi dê 160 triệu đồng/2 hộ; chăn nuôi bò 600 triệu đồng/1 hộ. Hầu hết các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, bước đầu phát huy được hiệu quả nguồn vốn.
Tuy nhiên, cũng có những hộ vay vốn gặp khó khăn trong trả nợ gốc. Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay vốn, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, đối với các tổ chức, cá nhân đã vay vốn theo chính sách của Nghị quyết 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh chưa đến kỳ trả nợ gốc, gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Sở đã đề nghị UBND tỉnh xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ lãi ngân hàng thêm 24 tháng đối với hộ chưa đến thời hạn trả nợ vốn vay. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ đã trả vốn vay nhưng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục được vay vốn tái sản xuất trên cùng nội dung vay theo chính sách của nghị quyết. Thông qua đó, để các chính sách hỗ trợ người dân phát huy được hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc