Kết quả thực hiện chương trình trọng tâm ở Đồng Văn
BHG - Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định lĩnh vực du lịch - dịch vụ, phát triển kinh tế biên mậu và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là lợi thế cần được khai thác, tập trung nguồn lực thực hiện, coi đó là giải pháp để giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua quá trình thực hiện với nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần không nhỏ xây dựng huyện Đồng Văn ngày một khởi sắc.
Người dân trao đổi, mua bán bò tại chợ phiên xã Sà Phìn (Đồng Văn). |
Đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: Trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như hệ thống tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán; hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, rừng nguyên sinh Vần Chải, hang Rồng gắn với việc tổ chức các lễ hội: Hoa Tam giác mạch, Gầu Tào, Lồng Tồng, Cúng thần rừng... trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huyện Đồng Văn có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư làm thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng; áp dụng chính sách ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, huyện đã có cách làm riêng trong việc sản xuất, chế biến những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như bánh, kẹo từ hoa Tam giác mạch; đào tạo đội ngũ đầu bếp có đủ trình độ nấu các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc; quy hoạch, khôi phục các làng nghề truyền thống, như: Làng nghề tre đan xã Sính Lủng; nghề làm khèn xã Hố Quáng Phìn, nghề may quần áo Tà Pủ thị trấn Phố Bảng; làng nghề thêu dệt váy áo phụ nữ dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú; trạm khắc Bạc xã Sủng Là... Trong nhiệm kỳ, huyện Đồng Văn đã khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng; đến nay, toàn huyện có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao; 3 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 12 khách sạn đạt chuẩn 1 sao và các nhà nghỉ đạt chuẩn với tổng số 739 phòng, 2.691 giường; có 43 nhà hàng ăn uống thường xuyên hoạt động kinh doanh. Tổng lượng khách đến tham quan giai đoạn 2016 - 2020 trên 1.792 nghìn lượt khách, đạt 402% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Với lợi thế có 9 xã, thị trấn tiếp giáp nước bạn Trung Quốc, huyện đã tăng cường các hoạt động thương mại biên giới qua cửa khẩu Phố Bảng và các lối mở; đề xuất thực hiện 4 điểm di dân tại 3 xã với tổng số 108 hộ. Đầu tư xây dựng hạ tầng biên mậu với 6 chợ và 9 lối mở tại 9 xã, thị trấn biên giới, tạo thuận lợi cho việc trao đổi, buôn bán của nhân dân vùng biên, đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá trong nhiệm kỳ đạt 28 triệu USD, tăng 632% so với năm 2015.
Đặc biệt, xác định công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm là một trong những chương trình trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Đồng Văn chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động mở các lớp Trung cấp nghề, đào tạo nghề ngắn hạn lưu động tại các xã, thôn; triển khai lồng ghép các chương trình, dự án; chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Qua các lớp học nghề này, nhiều người đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở các hiệu sửa chữa xe máy, xây dựng trang trại chăn nuôi bò, lợn quy mô hộ gia đình, mở HTX dịch vụ nông nghiệp… góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế và trở thành nền tảng trong quá trình giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tính từ năm 2016 - 2020, huyện Đồng Văn đã đào tạo nghề cho trên 4.000 người; giải quyết việc làm mới cho 10.536 người, đạt 105,36% chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Tỷ lệ người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 6%...
Từ thực tiễn khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương thông qua các chương trình gắn với giải pháp triển thực hiện cụ thể, thiết thực đã đưa huyện Đồng Văn trở thành điểm sáng trong phát triển KT - XH của vùng Cao nguyên đá. Kết quả đó cũng là cơ sở vững chắc để Đảng bộ huyện Đồng Văn tận dụng, phát huy hơn nữa trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc