Gìn giữ "vàng trắng" Quốc gia
BHG - Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, được ví như “vàng trắng” của Quốc gia. Tuy nhiên, tài nguyên nước (TNN) không phải là vô tận, thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên và từ con người; thậm chí, gây hiểm họa khôn lường nếu bị biến đổi hoặc ô nhiễm. Do vậy, để bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực.
Tận dụng nguồn nước lòng hồ thủy điện sông Nho Quế, người dân xã Khâu Vai (Mèo Vạc) nuôi cá lồng cho thu nhập cao. Ảnh: TRẦN KẾ |
Tỉnh ta là vùng đầu nguồn của các sông chính, như: Sông Lô, sông Miện, sông Nho Quế, sông Chảy, sông Gâm, sông Bạc; ngoài ra, còn có nhiều suối lớn nhỏ. Với mạng lưới sông, suối phát triển kết hợp cùng lượng mưa tương đối lớn, tạo nên nguồn nước dồi dào cung cấp tưới tiêu cho nông nghiệp, xây dựng các công trình thủy điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất... Theo tổng hợp của ngành chuyên môn, nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Ví như, nước sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng cao, từ 225,94 – 265,81 triệu m3/năm. Nhu cầu nước dùng cho chăn nuôi ước khoảng 21,15 triệu m3/năm. Còn nhu cầu sử dụng nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 101,78 triệu m3. Đặc biệt, năm 2020, nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế ước khoảng 645,65 triệu m3 (tăng 42,78 triệu m3 so với năm 2013)…
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngành Công nghiệp thế mạnh của tỉnh như thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc chế biến nông, lâm sản đã tác động tiêu cực đến TNN, dần làm suy thoái chất lượng môi trường nước mặt và nước ngầm. Đặc biệt, kinh tế phát triển, kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước, tạo áp lực cao lên nguồn nước sử dụng, gây nguy cơ cạn kiệt và suy giảm chất lượng nước… Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 thì địa bàn toàn tỉnh có 43 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy lên đến 914,3 MW. Trong đó, một số nhà máy có công suất đáng kể, như: Nhà máy Thủy điện Sông Miện 1 (82 MW), Nho Quế 3 (110 MW)... Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các nhà máy thủy điện đối với sự phát triển KT-XH. Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng nhà máy thủy điện trên các sông đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng nước mặt; làm thay đổi chế độ dòng chảy, giảm khả năng tự làm sạch, tăng khả năng bồi lắng lòng hồ, lòng sông.
Từng bước tháo gỡ những vấn đề trên và có công cụ quản lý nhà nước về lĩnh vực TNN; tháng 10.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1905 phê duyệt đề cương chi tiết nhiệm vụ: Điều tra lập quy hoạch bảo vệ TNN, giai đoạn 2015 – 2020. Trên cơ sở đó, đánh giá những điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển KT-XH tác động đến TNN để có phương án bảo vệ, quản lý, khai thác TNN một cách bền vững. Tháng 8.2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ TNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các giải pháp cụ thể, như: Bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng ngừa suy thoái cạn kiệt nguồn nước dưới đất, bảo vệ chất lượng các tầng chứa nước. Đồng thời, ưu tiên bảo vệ nguồn nước cần bảo tồn gắn với kiểm soát các hoạt động làm suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, khoanh định và cắm mốc phạm vi bảo vệ 14 nguồn nước cần bảo tồn liên quan đến tôn giáo, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…
Riêng năm 2019, Sở TN&MT đã phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra TNN Miền Bắc triển khai khoanh định, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối nội tỉnh từ cấp 2 đến cấp 5; điều tra, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy và TNN trên lưu vực sông Lô, đề xuất phương án ứng phó và phòng, chống lũ. Cùng với đó, lập mô hình và xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu sông Lô, làm cơ sở cho việc xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt, bảo vệ, giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, trật tự an toàn xã hội khi xảy ra sự cố…
Cùng với hoạt động trên, hàng năm, Sở TN&MT đặc biệt quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNN đến nhân dân. Qua đó, nhằm kêu gọi sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân về các vấn đề liên quan đến TNN mang tính toàn cầu; nhất là việc tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, an toàn; sử dụng TNN một cách tiết kiệm, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển xã hội bền vững trong tương lai…
Thực tế cho thấy, kinh tế phát triển đem lại nhiều lợi ích cho toàn xã hội nhưng cũng đặt ra yêu cầu cho việc phân bổ, khai thác, sử dụng TNN, tránh nguy cơ cạn kiệt và suy giảm chất lượng nước. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác TNN một cách bền vững luôn là yêu cầu cấp thiết cho hiện tại và tương lai.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc